Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Viên thuốc an thần dân chờ đợi



Vietnamnet
Một vài cơ quan truyền thông nước ngoài hỏi tôi có nghĩ rằng mình là "đối lập" không? Tôi trả lời tôi chỉ cố là một tiếng nói "độc lập" để đóng góp cho lợi ích chung thôi.

Sắp hết hai nhiệm kỳ Quốc hội, tự kiểm định lại ông thấy mình có gì sai sót, thiếu trách nhiệm khi người dân đã bỏ phiếu tín nhiệm mình không?
- Đôi khi tôi cảm thấy mình chỉ như viên thuốc an thần được dân chờ đợi.
Cái mà ta gọi là có uy tín bao nhiêu nghĩa là viên thuốc an thần nồng độ cao bấy nhiêu thôi. Khi dã thuốc thì họ càng oán mình vì có quá nhiều điều mà một ĐBQH không thể làm được. Đây là tôi nói đến việc bất cập trong xử lý đơn khiếu nại của dân.


Bất cập không chỉ vì năng lực hay ĐB không nhiệt tình mà do cơ chế. Điều kiện làm việc của ĐBQH không hề tương xứng với chức năng và càng không tương xứng với kỳ vọng của dân                                                                                                                                        




Chẳng hạn là gì, thưa ông?                          
- Chỉ riêng việc tiếp dân của ĐBQH không chuyên trách lại không sống ở địa phương mình đã bí. Tiếp ở nhà thì không nên, tiếp ở văn phòng thì đặt tận Biên Hòa, tiếp ở cơ quan thì mình đã về hưu, tiếp ở Hội, thì Hội Sử học chật quá... Cuối cùng phải thuê một văn phòng và nhờ một bạn trẻ làm thường trực, kết hợp một vài việc khác để chia sẻ kinh phí.
Theo tôi, một ĐBQH phải hội đủ 3 năng lực: tư cách và quyền hạn do luật định (điều này thì đương nhiên); khả năng truyền thông ( may mắn tôi có nghề và quan hệ tốt) và hiểu biết về luật (điều này thì tôi rất hạn chế). Nhiều anh chị em ĐBQH cũng cảm thấy như tôi.

Băn khoăn cái nút bấm

"Từ khi bấm nút thì biểu quyết nhanh hơn, số liệu có thể chính xác hơn nhưng đáng tiếc, nó gây cảm giác thiếu minh bạch. Mọi người không được cung cấp thông tin đầy đủ, chẳng biết ai đồng ý, ai không đồng ý, ai không biểu quyết".    

Còn điểm nào nữa mà ông thấy bất cập?
- Có một vấn đề mà sau một nhiệm kỳ rưỡi hoạt động tôi rất băn khoăn, đó là việc bấm nút. Điều này đôi lần tôi đã thổ lộ trên báo chí và kỳ họp vừa rồi có buổi thảo luận liên quan đến hoạt động của QH, tôi đăng ký nhưng hết giờ nên chưa được trình bày tại QH.
Theo tôi, hoạt động của QH còn cần đến sự giám sát của cử tri đối với ĐB mà mình bầu ra.
Giám sát ĐBQH có thể qua các phát biểu trên các diễn đàn ở QH và công luận, thông qua chính kiến của ĐBQH khi bỏ phiếu thông qua luật, biểu quyết liên quan đến những vấn đề quan trọng, bầu nhân sự...
Người dân rất muốn biết trong những quyết định ấy, quan điểm của mỗi ĐBQH như thế nào. Tôi biết trước kia các ĐB giơ tay hay thẻ ĐB. Đúng là sẽ tốn thời gian đếm nhưng cách biểu quyết "thủ công" ấy khiến mọi người trong và ngoài QH đều biết chính kiến của mỗi ĐB.
Từ khi ứng dụng công nghệ điện tử thì biểu quyết nhanh hơn, số liệu có thể chính xác hơn, hồ sơ lưu trữ sẽ chuẩn hơn... nhưng đáng tiếc là nó gây cảm giác thiếu minh bạch. Mọi người không được cung cấp thông tin đầy đủ, chẳng biết ai đồng ý, ai không đồng ý, ai không biểu quyết.
Sau mỗi lần như vậy người ta lại cứ đoán già, đoán non... Và cũng vì vậy mà nảy sinh hiện tượng lẽ ra phải được làm rõ: tại sao sĩ số lại mỗi lần một khác, cho dù chỉ cách nhau vài phút (có nguời quên chăng, có người biểu quyết hộ chăng...).

Vậy theo ông, ta lại... giơ tay?
- Vẫn có thể bấm nút nhưng phải công bố kết quả. Với các ĐBQH nay đã được trang bị máy tính, có thể chuyển qua mạng.
Với giới truyền thông cũng vậy. Dư luận rất quan tâm không chỉ bộ luật hay quyết định này được thông qua bay không mà còn xem từng ĐB quan điểm như thế nào. Và ai vắng mặt nhiều, có hiện tượng "bấm hộ" hay không.
Đơn cử, khi biểu quyết về mở rộng Hà Nội, nghe tôi phát biểu, nhiều bạn làm báo đều nghĩ rằng tôi bấm nút "không tán thành". Nhưng thực ra tôi bấm nút "không biểu quyết" bởi lẽ quan điểm của tôi, mở rộng Thủ đô là một việc rất hệ trọng nên khi cảm thấy sự chuẩn bị có phần vội vã, duy ý chí, chưa đủ cơ sở khoa học...
"Phê phán" Chính phủ như vậy thì làm sao một cá nhân như mình lại có thể đưa ra một chính kiến mang tính khẳng định là "không tán thành" vì bản thân mình đâu đủ am hiểu. Mình thấy việc khó, lại là việc lớn nên chỉ có thể "không biểu quyết" mà thôi.

Cái khó nhất đối với ĐB khi phát biểu là gì, theo ông?
- Khó nhất là nói phải có năng lực thuyết phục. Thực chất hoạt động ở QH là một diễn đàn vận động hành lang (lobby). ĐBQH "lobby" nhau qua các thảo luận. Có nhiều tri thức cần có để ĐB đưa ra quyết định của mình. Nhưng ai có thể là “biết tuốt” được.

"Quốc hội phải là thể chế dân chủ, phải có đủ điều kiện để thực thi thể chế dân chủ, đó là điều mà người dân đòi hỏi".   

Vậy thì ĐB phải biết nghe, nghe ở ngoài xã hội, qua báo chí, gặp gỡ những chuyên gia và cuối cùng là lắng nghe nhau khi thảo luận ở QH, cuối cùng là thể hiện quan điểm của mình khi phát biểu hay bấm nút.
Tôi nhớ lần QH biểu quyết cao trình Thủy điện Sơn La. Tôi sang nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngay gần nơi họp cũ) thì vị tướng lão thành cho rằng phải đặt an toàn lên cao nhất, an toàn chống ngoại xâm, chống khủng bố và chống chiến tranh sinh thái (nguồn nước) nên phải hy sinh một phần lợi ích kinh tế chọn thấp nhất.
Có dịp bay vào TP.HCM, đến thăm thầy Trần Văn Giàu (cả hai đều là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam) thì vị lão GS ứng vào nguyên lý "chiến tranh nhân dân" mà cho rằng nên làm nhiều công trình vừa phải hơn là làm những đại công trình và không nói rõ lựa chọn cao trình nào.
Lại đúng dịp bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) vừa tổ chức thượng thọ 80, đến chúc và hỏi thì nguyên Thủ tướng nói việc bảo đảm an toàn đã được tính rất kỹ, không những các bạn Xô Viết cũ thiết kế mà còn tham vấn chuyên gia nhiều nước phương Tây, kinh tế không phát triển thì không thể an toàn được và chọn cao trình tối đa.
Tôi có nói điều đó tại QH khi thảo luận nội dung này. Cuối cùng QH đưa ra một quyết định "rất Việt Nam" là trung dung, lấy mức trung bình không cao quá, không thấp quá.



Thế ông có e ngại rằng người ta sẽ bảo ĐB không có chính kiến và đứng về quyền lợi của ai cũng không biết thì làm sao bỏ phiếu chính xác?
- Chính kiến của mình là quyết định lựa chọn cuối cùng mà mình đưa ra chứ không phải dựa trên tri thức của anh.
Nghị sĩ các nước đại diện cho một đảng phái, phát biểu theo quan điểm của đảng phái đó.
Ở ta, với 92% đại biểu là đảng viên, nên phải lựa chọn giữa tư cách đảng viên và tư cách ĐBQH.                                                                                      
Không phải lúc nào hai tư cách ấy là một. Nên sự lựa chọn cuối cùng thường mang ý thức tổ chức cao. Có lẽ các vị ấy lập luận đơn giản "ý Đảng là lòng dân". Tôi thì cứ mong ước rằng "lòng dân là ý Đảng".

Vì tôi không phải là đảng viên nên tôi nghĩ mình là người tự do hơn trong những lựa chọn tương tự. Các vị đảng viên có khi lại phải chịu nhiều ràng buộc.

Nếu có nhiều thứ còn vướng như vậy thì liệu có tiêu chí nào để người dân đánh giá được chất lượng hoạt động của ĐBQH không? Kiểu như xếp hạng năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh?
- Lẽ ra phải làm chuyện đó nhưng ta không có chủ trương làm. Ngay một việc đơn giản nhất theo luật định là ĐBQH có quyền bỏ phiếu tín nhiệm thành viên của Chính phủ mà chúng ta cũng không thực hiện.

Vậy là nhìn vào hoạt động của Quốc hội cũng rất khó định tính đóng góp của từng người? Hoặc để người dân so sánh đại biểu này với đại biểu khác?
- Đóng góp cho QH biểu hiện rõ nhất qua các phiên thảo luận. Ý kiến của anh có chất lượng không, có được tiếp thu để qua luật pháp đi vào cuộc sống hay không. Khó nhất là cho dân đánh giá.
Để đánh giá được thì người dân phải có quyền bỏ phiếu bãi miễn nhưng không có cơ chế để làm chuyện đó.

Đại biểu phải hát Quốc ca

Đóng góp mà ông cho là đáng kể nhất ở QH, để lại dấu ấn "Dương Trung Quốc" nhất là gì?
- Cái duy nhất tôi đóng góp được cho QH nhưng thành công vẫn chưa thật bền vững là đại biểu QH phải hát Quốc ca trong ngày khai mạc và bế mạc mỗi kỳ họp.
Kỳ đầu tiên tham gia họp, tôi thấy có một dàn đồng ca hát hộ. Tôi nêu vấn đề ngay là ĐBQH phải tự hát Quốc ca, vì học sinh đến trường đầu tuần phải hát, tôi nêu lên ở QH là các cháu học sinh khiếm thính còn có cách hát Quốc ca rất nghiêm trang và cảm động.
Hồi đó Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão ưa văn nghệ nên đưa ngay vào chương trinh ghi rõ "đại biểu hát Quốc ca" và dàn đồng ca được... nghỉ việc. Nhưng để duy trì được bền vững thật không đơn giản.

Nhiều người nói ông Quốc phát biểu cả những chuyện có vẻ nhạy cảm và dễ đụng chạm như chất vấn Phó Thủ tướng chuyện khai thác bô-xit hay kỳ họp thứ sáu ông phê báo cáo Chính phủ chưa tả chân. Điều gì khiến ông tự tin như thế?
- Tôi lắng nghe dư luận xã hội và chia sẻ bằng cách thuật lại ở diễn đàn quan trọng này một cách trung thực.
Mặt khác, thái độ của tôi luôn ôn hòa, mong được người đối thoại lắng nghe.

Nếu có người nói với ông rằng, phát biểu như vậy hơi quá khích thì ông giải thích gì?
Quá khích ư? Một vài cơ quan truyền thông nước ngoài hỏi tôi có nghĩ rằng mình là "đối lập" không? Tôi trả lời rằng tôi chỉ cố là một tiếng nói "độc lập" để có thể đóng góp cho lợi ích chung thôi.

Khóa trước người ta có câu: Nhất Ngoạn, Nhì Trân, Tam Lân, Tứ Quốc. Khóa này, nếu bình chọn một bộ tứ như vậy thì ông đề cử ai?
- Khóa này có cái hay là nhiều nhà quản lý vào cuộc phát biểu chất lượng, thẳng thắn, như ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Đà Nẵng, ông Vũ Hoàng Hà - Bí thư tỉnh ủy Bình Định. Hay như ông Nguyễn Minh Thuyết là quan chức trong QH nhưng có những phát biểu rất độc lập và nhiều vị khác nữa.

Lê Nhung - Đăng Dương

Đại biểu Quốc hội đầu tiên lập blog

Quần soóc, áo phông, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khoá XI và cũng là ứng cử viên khoá XII, lặn lội đi học... blog
Cự ly nào giữa blogger và chính khách
Đúng tinh thần một blogger, ông thoải mái tâm sự:
Ai cũng có thể mở blog, nhưng một chính trị gia mở blog lại có ý nghĩa khác. Nếu blog của họ có những điểm tích cực, họ có thể dùng nó để xây dựng hình ảnh, vận động tranh cử, truyền thông điệp tới người dân theo cách gần gũi hơn so với những bài phát biểu trước Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm rất bất cập. Ở vị trí một chính trị gia, lời ăn tiếng nói của họ rất được quan tâm. Một khi lập blog là họ trở thành blogger. Có người cho rằng tôi là một blogger, tôi muốn nói gì cũng được, đây là thế giới riêng của tôi. Nhưng tên tuổi của họ lại mâu thuẫn với điều đó.
Ví dụ như Ngoại trưởng Thụy Điển. Ông luôn nói trước công luận theo tính chất ngoại giao. Nhưng khi lên blog, ông ấy lại thể hiện một quan điểm khác hẳn so với tư cách của một ngoại trưởng. Khi được phỏng vấn, ông lý giải rằng, ở đây tôi nói với tư cách của một blogger chứ không phải tư cách của một ngoại trưởng.
Vấn đề là nhận thức của người dân về việc làm blog. Con người có hai chức năng, có những cái thống nhất với nhau, có những cái thuộc về nghề nghiệp thì phải phân biệt được. Nếu không phân biệt được là do lỗi của người đọc, không phải lỗi tại người viết blog.
* Nhưng chắc chắn người làm blog cũng có lỗi vì họ đã tự mình lẫn lộn hai vai trò đó với nhau.
- Anh phải biết ranh giới, đây là blog, còn kia là công việc. Đương nhiên để thể hiện một sự thống nhất giữa hai vai đó là rất khó, nhưng điều đó đòi hỏi blogger phải có người đọc có thể chia sẻ. Nó giống như cuộc đời riêng tư, với vợ chồng chẳng hạn, đằng sau cuộc sống vợ chồng là gì? Có nói ra được không?
* Nhưng thế giới blog rất hỗn loạn. Thêm vào đó là tính nặc danh của môi trường internet. Đôi khi nhờ một cái nick ảo, người ta có thể bình luận thoải mái những gì mình thích, kể cả văng bậy...
- Không, đó chính là môi trường để mình rèn luyện những phẩm chất cần có, có được một bản lĩnh để chấp nhận. Đối với một chính khách, theo tôi, điều đó rất quan trọng.
* Nhưng không ai nắm tay được từ sáng đến tối. Đến một lúc nào đó, có khi chỉ do một sai lầm nho nhỏ khi phát ngôn trên blog mà các chính khách lại có thể phá hỏng sự nghiệp. Lúc đó họ lại hối hận, giá như mình không làm blog...
- Sẽ có người như thế. Bản thân mình rơi vào hoàn cảnh như thế mình mới biết được.


       
Nhà sử học Dương Trung Quốc phút thảnh thơi, tươi trẻ (Ảnh nguồn: zing.vn)   

* Vậy ông có dám dấn thân vào việc làm blog hay không?
- Thực ra tôi cũng chưa hiểu hết. Mục tiêu của tôi là chia sẻ, đầu tiên là với những người họ quan tâm đến mình và mình cũng muốn chia sẻ với họ. Tức là có một giới hạn. Sau đó, giới hạn sẽ mở rộng dần dần. Một là mình đã tốt hay chưa, đã có nhiều người muốn chia sẻ với mình hay chưa? Chứ tôi chưa có ý định dùng blog làm một diễn đàn quá rộng với mọi người.
Nếu quả thực trong quá trình làm, mình cảm thấy mức độ nào mình đủ bản lĩnh và mình đủ lòng tin thì mình sẽ mở rộng ra và cũng thăm dò xem nhu cầu như thế nào. Trước hết, tôi chỉ muốn có một chỗ để đưa tất cả những gì mình viết vào để chia sẻ, để giới trẻ có thể bình luận, bình phẩm.
Phần lớn các vấn đề của tôi, nói học thuật thì hơi sâu, nhưng đó là vấn đề nhận thức xã hội. Tự dưng mình nói quan hệ Việt Nam và Mỹ mang tính chiến lược thì họ nói: đấy, anh là thằng cơ hội, ôm chân Mỹ.
* Khi làm blog, ông sẽ có một cái lợi, một ưu thế rất lớn là thương hiệu.
- Có thể thương hiệu sẽ tự nhiên đến. Nhưng thực sự tôi không có mục đích đánh bóng thương hiệu.
* Không, ý tôi là khi ông làm blog thì blog của ông sẽ được quan tâm. Vì người làm là ông Dương Trung Quốc - người có tiếng nói trong công chúng.
- Giống như trường hợp của Joe đúng không?
* Không, Joe nổi tiếng vì anh chàng này là người nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất hay. Ở trường hợp này, không phải thương hiệu tạo nên blog mà blog tạo nên thương hiệu.
- Có lẽ tôi nên làm blog cho một mình tôi xem trước.
Thử thách đầu tiên - đối mặt với danh hiệu "chơi trội"?
* Ở Việt Nam, có lẽ ông là đại biểu Quốc hội đầu tiên công khai chuyện mình làm blog. Nhưng có một tâm lý là anh nào làm đầu tiên sẽ bị coi là “chơi trội”. Ông có sợ tâm lý ấy không?
- Tôi biết là có tâm lý ấy nhưng tôi không sợ. Có gì mà mình phải sợ.
* Ông cũng là người đầu tiên trong Quốc hội dùng máy tính xách tay?
- Thực ra tôi không phải là người đầu tiên. Người đầu tiên mang máy tính xách tay đến Quốc hội là ông Lân Dũng và cũng có thể một vài người khác. Nhưng các vị cứ thập thà thập thò. Tôi là người đầu tiên dám đặt lên bàn rồi đánh bình thường, có gì mà phải sợ.
* Thập thò nghĩa là sao?
- Thì đánh giấu, không cho mọi người xem, ngại ngại vì cho rằng như thế là vi phạm luật. Như thế chẳng có gì là vi phạm cả.
* Thời điểm đó là năm nào?
- Vài năm nay rồi. Hai năm đầu tôi chưa dùng, nhưng năm thứ hai thì dường như đó là năm mình làm được nhiều việc nhất.
* Vậy đến bây giờ có bao nhiêu đại biểu sử dụng máy xách tay?
- Chưa có thêm ai hết. Ông Dũng thỉnh thoảng tranh thủ làm. Còn tôi lúc nào đến cũng đặt máy lên bàn, làm công khai. Hoặc là họ e ngại nên chưa có nhiều người làm vậy.
* Đối với các blogger trẻ tuổi không tham gia vào công việc chính trị thì chuyện làm blog có thể rất thoải mái. Nhưng ông lại khác, ông còn vai đại biểu Quốc hội.
- Mình có thể thay đổi cách nói để thuyết phục và để an toàn. Thí dụ như có thời kỳ, trên VietNamNet có mở ra tranh luận về chuyện tham nhũng. Có nhiều người phản ứng rất gay gắt, họ dùng lý lẽ của họ để đả kích.
* Lý lẽ của họ là gì?
- Ông đừng nghĩ vớ vẩn. Ông hãy tập trung làm Quốc hội đi.
* Ông trả lời họ ra sao?
- Làm sao trả lời được hết. Nhưng số đông là ủng hộ. Nói trước là tôi sẽ không trả lời. Nhưng tôi ghi nhận tất cả ý kiến của họ. Trừ trường hợp nào tôi thấy cần thiết trao đổi.
* Thế bây giờ làm blog, ông có sợ người ta lại bảo, ông tập trung làm việc của Quốc hội đi?
- Đó là chuyện bình thường.
Vĩnh Thịnh (lanhdao.net ngày 30/5/2007)

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Lá thư đầu tuần – lời cảm ơn chung

Bạn đọc yêu quý, Cuối tuần trước, bạn đọc gửi nhiều thư về trang blog Boxitvn. Nội dung những lá thư này gần như giống nhau, bầy tỏ vui mừng trước sự kiện giáo sư Nguyễn Huệ Chi được “ngừng làm việc”.
Niềm vui thì giống nhau, nhưng cách biểu đạt niềm vui thật đa dạng! Có biểu đạt theo cách nói bi tráng đến những giọt nước mắt của con người từng vào sinh ra tử song không khi nào khóc. Có biểu đạt theo cách nói cười cợt của con người từng trải thích dùng cái đùa làm vũ khí. Trong các lá thư gửi về, tịnh không thấy cách biểu đạt hàm hồ dung tục.
Trang Boxitvn nhân lá thư đầu tuần này xin ngỏ lòng biết ơn tới tất cả các tác giả thành lời và những đồng tác giả lặng thầm của những lá thư chúng ta vừa nhắc đến.

Bạn đọc yêu quý,
Cuộc sống là một dòng chảy tuyến tính theo thời gian, đã một đi thì không bao giờ trở lại. Vì thế, chúng ta những con người có ý thức về bản thân mình và đất nước mình, chúng ta không thể dừng chân lâu để nhâm nhi chuyện đã qua. Nhà văn Nga tác giả “Chuyện thường ngày ở huyện” từng để cho nhân vật nói đại ý rằng “nếu sứ mệnh con người chỉ là nhìn ngắm quá khứ thì Chúa đã ban cho nó hai con mắt ở đằng sau gáy”! May sao, chúng ta đều có đủ hai con mắt hướng về phía trước!
Bạn đọc yêu quý biết rất rõ rằng tiền thân BoxitVN.info của trang blog Boxitvn này đang bận chữa bệnh và dưỡng bệnh. Và thứ hai 25 tháng 01-2010 này, người chịu trách nhiệm điều hành trang diễn đàn cởi mở và đầy trách nhiệm đó vẫn còn phải “làm việc lại”, có thể chính thức là buổi làm việc cuối cùng, và cũng có thể là … chưa biết đâu là chừng.
Boxitvn có trách nhiệm báo tới các bạn một tin này: tối qua, 24 tháng 01-2010, liên tiếp từ 20 giờ đến 21 giờ, một số anh em chúng tôi nhận được lời nhắn thông báo một tin tức thất thoát, “thông tin” này có thể chỉ là lời đồn nhảm và nó cũng có thể là sự thật, có liên quan đến thân thể và cả đến sinh mệnh chính trị giáo sư Huệ Chi. Bản tin vỉa hè đó còn nói xưng xưng chuyện đó đang được bàn tính xem nên cho xảy ra trước Tết hay sau Tết.
Có thể gạt ngay cái chi tiết giật gân “trước Tết sau Têt”. Vì giáo sư Huệ Chi là một nhà khoa học nhưng cũng là con người bình dị của xã hội, chưa đến nỗi để phải có sự tính toán chi li đến thế. Mà nếu vì lòng nhân đạo, định để sau Tết mới làm chuyện đó thì sao không để sau Tết mới khám nhà và lấy ổ cứng đi luôn thể?
Nhưng nay ta nên bàn thêm xem: có thể làm chuyện đó vì lý do gì? Nói cách khác, tức là có thể truy tố Huệ Chi về điều gì? Làm việc liên tục hơn một tuần, in từ ổ cứng ra gần ngàn trang bài vở, lục lọi sục sạo ngày đêm một cái ổ cứng hiện đại tầm cỡ Hán-Nôm, mà chẳng thấy thằng địch nào, chẳng thấy tên khủng bố nào, cũng chẳng thấy lời lẽ kêu gọi phản loạn nào, thế thì lấy đâu ra cái cớ cho chuyện đó chứ? Giáo sư Huệ Chi còn thông tin tới bà con về sự chân thành của cả hai phía; điều này đã được đưa ngay vào Thông báo, xin bà con mình đọc lại. Thông tin này đã tạo ra tâm trạng thanh thản được phản ánh hết sức chắt lọc qua mấy lá thư bạn đọc đã trích đăng. Vậy là tới đây và về chuyện này bà con mình cũng có thể yên lòng thở phào được rồi!
Và bà con mình hãy duy trì trang Blog trong khi chờ đợi dăm bẩy bữa dưỡng bệnh cho lại sức, chúng ta sẽ lại gặp gỡ nhau hàng ngày trên trang oép thân yêu mang cái tên dài nhưng thật khó quên BoxitVN.info.
Sau cả một ngày Chủ nhật thư giãn, bắt đầu một tuần làm việc mới, xin chúc bạn đọc yêu quý luôn luôn giữ được tâm trạng vui tươi của những con người có tấm lòng trong sáng, có năng lực thực tiễn và tư duy hiện đại, những con người của sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.
Chào thân ái,
Boxitvn

Cuộc sống chẳng còn là dòng sông êm ả

Bài của Thomas Fuller (The New York Times) – in lại trên tuần báo Courrier international ngày 20-01-2010 – PT dịch
Càng ngày càng có thêm nhiều dự án ngăn dòng trên con sông Mêkông. Phát triển kinh tế lại thành ra phương hại đến tương lai ngư dân và cuộc sống muôn thuở dọc đôi bờ sông, tờ New York Times viết.

Một ngư dân Thái Lan trên sông Mê-Koong, đoạn nằm cách không xa biên giới Lào-Thái © AFP
Những thúng cá, những người dân làng bơi lội tắm táp, một cái chợ bán đủ thứ kiếm được từ rừng sâu: đó là những kỷ niệm ấu thơ của Pornlert Prompanya về con sông Mêkông hoang dã xưa. Bây giờ, người đàn ông 32 tuổi ấy tổ chức những chuyến du lịch dọc con sông Mêkông với bộ mặt hoàn toàn khác: ở Sop Ruak, nơi biên giới với Thái Lan và Myanmar, một sòng bạc mới toanh có mái vòm giát vàng giang tay đón những con bạc cỡ bự từ xe ô tô hòm đen bước xuống.

Dòng sông biến đổi thật nhanh, do kinh tế phát triển, do những nhu cầu về điện của vùng này và nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Ngay cả khi con sông này chưa bị ô nhiễm gây hoại thư như vô số con sông châu Á khác, sông Mêkông cũng chẳng còn là dòng chảy êm ả như cách đây nhiều thế kỷ nữa.
Trung Hoa đã xây dựng ba con đập, và con đập thứ tư đang xây sẽ là con đập cao nhất thế giới. Nước Lào có kế hoạch xây trên sông Mêkông và các chi lưu của sông này vô số đập thủy điện – bẩy mươi dự án cả thẩy, trong đó bẩy dự án đã hoàn thành – và các nhà cầm quyền ở đây đã tuyên bố nước Lào thành “cục pin của châu Á. Sau hết, Nước Campuchia có kế hoạch xây hai con đập. Giấc mơ của các n hà thực dân Pháp dùng con sống như cửa ngõ bước vào đất Tầu đã được thực hiện từng phần: sau khi các kỹ sư Tầu dùng thuốc nổ phá cả loạt thác ghềnh vào đầu những năm 2000, tình hình thương mại theo đường sông giữa Trung Hoa và Thái Lan đã tăng lên gần 50%. Các nhà sinh thái lo ngại rằng những dự án này sẽ tiêu diệt các nguồn thu nhập của cư dân sống nhờ vào sông Mêkông đã nhiều thế kỷ nay. Những phương diện bị phê phán nhiều hơn cả của các con đập này là vấn đề tác đông của chúng tới những đàn cá di cư và việc trồng lúa ở vùng đồng bằng Việt Nam, nơi tập trung hơn một nửa năng lực trồng trọt của nước này. Thật vậy, nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mêkông vốn được hưởng lợi từ phù sa con sông đầy chất dinh dưỡng nay đã bị các con đập của người Tầu giữ lại. Theo tính toán của các chuyên gia, các con đập sẽ chặn đứng một tỷ lệ phù sa lớn hơn nữa cùng với vô số giống cá, điều đó gây tai họa cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, và Ủy ban sông Mêkông, một cơ quan tư vấn do các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thành lập năm 1995, đã ước tính lên đến 2 tỷ đô-la.
Theo một công trình nghiên cứu tiến hành năm 2006, trong hàng trăm giống cá sống trên con sông này, thì 87% là cá di cư.
 
“Những con đập đặt ra những vấn đề vô cùng ln đối với sáu chục triệu dân sống trong lưu vực sông Mêkông”, Milton Osborne, nghiên cứu viên được mời tới Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Lowy ở Sydney, đồng thời là tác giả nhiều công trình về sông Mêkông. “Con người ở đây bị gắn chặt vào với con sông này.” Theo một số nhà phân tích, việc gia tăng mạnh mẽ các con đập trên sông Mêkông có thể gây ra xung đột mang tầm quốc tế. Có những phong trào công dân Thái tỏ ra bất bình trước vẻ dửng dưng của Trung Hoa trước những hệ quả do các công trình của họ gây ra cho người dân sống dưới hạ lưu con sông này.
Cả Trung Hoa lẫn Myanmar – hai quốc gia nằm cao trên thượng lưu con sông – đều không phải là thành viên của Ủy ban sông Mêkông, điều này khiến họ không bị buộc phải hỏi ý kiến các nước khác đối với những vấn đề chẳng hạn như việc xây đập và phân chia nguồn nước. Thế nhưng, giờ đây, chuyện các con đập vẫn không thành mối quan tâm mang tính chất quốc gia của bất kỳ nước nào có con sông này chảy qua. Không thấy xảy ra ở những nước này bất kỳ phong trào phản đối lớn nào, và đối với rất nhiều con người trong vùng, thậm chí lại còn coi việc xây cất đó là biểu hiện của sự tiến bộ. Sự phát triển của sông Mêkông cũng là biểu hiện của một châu Á mới, cuối cùng đã thoát khỏi những xung đột ý thức hệ làm tê liệt họ. Theo Pornlert Prompanya, dẫu sao thì cái ngôi làng thời thơ ấu của ông nay đã trở thành chốn đô thị đón du khách trong những khách sạn và nhà hàng sang trọng, các mặt tiêu cực của vấn đề xem ra vẫn lớn hơn những mặt tích cực. Ông nói rằng con sông bây giờ hành xử bất ưng khó đoán trước được, câu con cá cũng khó và tắm thì chẳng có gì thú vị nữa, bởi vì dòng sông “quá bẩn và quá ô nhiễm”. “Xưa kia, mực nước sông thay đổi theo mùa”, ông nói thêm. “Bây giờ đây, mực nước này tùy thuộc vào việc Trung Hoa cần dùng của nó bao nhiêu nước.”
Tham khảo
Sông Mêkông chạy qua Đông Nam châu Á với chiều dài khoảng 4 900 kilomet. Nó bắt nguồn từ đỉnh Himalaya rồi chảy xuống miền Nam Trung Hoa, Myanmar, Tháï Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra mạn Nam của biển Đông. Kể từ khi Trung Quốc xây con đập đầu tiên, rất nhiều chủng loại sinh vật như cá heo và cá heo sông Mêkông đang trên đường tuyệt diệt, mực nước thì bị hạ thấp, con cá câu lên đều nhỏ và ít hơn rất nhiều. Ở nhiều chỗ, dòng chảy quá mạnh, do phá ghềnh thác, phá các bãi cát và mở rộng các khúc sông hẹp. Campuchia là quốc gia lệ thuộc hơn cả vào dòng chảy và các trận lụt của con sông này: người ta e ngại có thể xảy ra nạn đói vì thế. Tất cả các thành phố lớn của Lào đều nằm bên sông, và thành phố lớn quan trọng của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, đã bị đe dọa vì dòng chảy sông Mêkông không đủ mạnh và còn bị ô nhiễm nữa.

Cách Mạng Cam


Người hùng Ukraine trong cuộc “Cách mạng Cam” năm 2004, Victor Yushchenko, chỉ nhận được hơn 5% số phiếu bầu, thua xa hai đối thủ. Ngay từ năm 2005, dân chúng đã bắt đầu thất vọng khi thấy Yushchenko chưa đưa lại được cho họ những gì đã hứa. Và sau 5 năm nhân dân Ukraine đã “sửa chữa sai lầm”.
Có người giải thích thất bại của Yushchenko là “cả tin vào phương Tây”, có người cho là ông đã “giỡn mặt con gấu Nga thời Putin”. Rõ ràng là Yushchenko đã không giỏi “đi dây” trước một tay hàng xóm đang nắm van khí đốt và cứ chực đến khi giá rét nhất lại cắt gaz lò sưởi của dân Ukraine. Thất bại của ông Yushchenko nhắc lại thất bại của Lech Walesa. Năm 1995, người dân Ba Lan cũng đã không tái bỏ phiếu cho người hùng Công đoàn Đoàn kết Walesa. Cho dù, cuộc Cách mạng mà ông tiến hành ở Ba Lan không dễ dàng như “Cách mạng Cam”. Phong trào mà ông lãnh đạo trong suốt thập niên 80, có khi đã phải trả giá bằng tù đày và máu. Nhưng người hùng trong đấu tranh không có nghĩa là khi nắm được chính quyền sẽ không làm cho dân thất vọng, người dân sẽ đổi thay khi không thấy hài lòng.

Không chỉ ở Ba Lan hay Ukraine mà ở hầu hết các nước Đông Âu, người dân đã không hoàn toàn hài lòng với những gì mà “dân chủ kiểu phương Tây” mang lại. Nhưng, không hài lòng một cách công khai và thể hiện nó bằng quyền bỏ phiếu là điều mà trước đây ở Đông Âu không bao giờ tồn tại. Năm 2005, khi người dân bắt đầu tụ tập kêu ca chính quyền mà họ vừa dựng lên, một bộ trưởng Ukraine, ông Yuriy Lustenko, đã trấn an: “Chúng ta đã từng đứng đây không phải vì lương, tiền hưu trí hay một mẩu xúc xích, thậm chí không phải vì người mà chúng ta bầu lên làm tổng thống, mà vì tự do”. Không hẳn là người dân Ukraine không hiểu bản chất của “Cách mạng Cam” như Lustenko, nhưng người dân không đóng đinh lý tưởng của họ vào chính quyền mà họ từng ủng hộ. Người dân làm cách mạng là để tìm kiếm tự do chứ không phải tìm kiếm quyền bính trọn đời cho các nhà lãnh đạo. Người dân sẽ sử dụng “tự do” để chọn ai có thể đem đến “xúc xích với tiền lương”.
Cả Walesa và Yushchenko đều thất cử sau chỉ một nhiệm kỳ. Một nhiệm kỳ là không đủ dài để một nhà đối lập tích lũy kinh nghiệm nắm quyền lãnh đạo quốc gia. Một nhiệm kỳ cũng rất ngắn để người dân sống trong môi trường bị bưng bít quá lâu trưởng thành về dân chủ. Dân trí thấp thì thật khó để vận hành dân chủ, nhưng nếu như không có dân chủ thì muôn đời dân trí cũng không được nâng lên, cho dù cả nước được “nền giáo dục vâng lời” cấp bằng tiến sỹ. Người dân ở các nước dân chủ, nhất là các nước mới có dân chủ một hai nhiệm kỳ, lựa chọn người lãnh đạo sai là một khả năng không nhỏ. Nhưng, khả năng lớn hơn là họ có cơ hội và có quyền để sửa sai. Thất bại mới đây ở Ukraine có thể chỉ là thất bại của Yushchenko chứ không phải là của nhân dân hay “Cách mạng Cam”. Bi kịch lớn nhất cho một quốc gia không phải là có cách mạng hay không mà là khi nhận ra thành quả bị tước đoạt mà người dân không làm gì được.
Huy Đức
Ô SIN // 23.01.2010

Tòa án quốc gia Tây Ban Nha truy tố các quan chức ĐCSTQ: Công lý đã được thực thi

Hồi trung tuần tháng 11-2009, trong một quyết định chưa từng có tiền lệ, một thẩm phán Tây Ban Nha đã truy tố 5 quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì vai trò của họ trong tội ác tra tấn và diệt chủng Pháp Luân Công, một môn tu dưỡng tinh thần với các bài động tác khí công và nguyên lý tinh thần Chân Thiện Nhẫn.
Luật sư Tây ban nha Carlos Iglesias.
Sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, thẩm phán của Tòa án quốc gia Tây Ban Nha, ông Ismael Moreno đã thông báo cho luật sư Carlos Iglesias của Quỹ Luật Nhân quyền (HRLF) rằng Tòa án đã nhận được một đơn kiện truy tố các bị can với cáo buộc tra tấn và diệt chủng. Theo bản thông báo, với việc thực hiện tội ác diệt chủng, các bị can phải đối mặt với 20 năm tù giam và có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế cho các nạn nhân.
Các bị can có từ 4-6 tuần để trả lời và có thể phải đối mặt với sự dẫn độ nếu họ đi tới một đất nước có hiệp ước dẫn độ với Tây Ban Nha. Quyết định này được thực hiện đúng theo nguyên tắc thực thi pháp lý của thẩm quyền phổ quát – nguyên tắc cho phép tòa án bất kỳ nước nào cũng có thể thụ lý những vụ án liên quan đến các tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, không phân biệt nơi chúng xảy ra.

Quyết định mang tính lịch sử này của thẩm phán Tây Ban Nha có nghĩa rằng các lãnh đạo ĐCSTQ – những người phải chịu trách nhiệm cho các tội ác tàn bạo, giờ đây đang tiến gần hơn tới việc bị đưa ra công lý,” theo lời ông Iglesias. “Khi một người phạm phải tội ác diệt chủng hay tra tấn, đó là những tội ác chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế chứ không chỉ chống lại các công dân Trung Quốc. Tây Ban Nha đang nổi lên như là một người bảo vệ nhân quyền và công lý phổ quát.
Trong số các bị cáo là cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân – người được thừa nhận rộng rãi là kẻ chủ mưu trong chiến dịch được phát động vào năm 1999 nhằm “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công. Cũng phải đối mặt với cáo buộc là La Cán, người đứng đầu Phòng 610 – một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bí mật trên toàn quốc, dẫn đầu chiến dịch bạo lực. Các luật sư  Trung Quốc đã so sánh Phòng 610 tương đương với Gestapo của Đức Quốc xã về mức độ tàn bạo và thẩm quyền đứng trên cả luật pháp.
Ba bị cáo khác là Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh và cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại; Giả Khánh Lâm, một trong bốn thành viên cao nhất trong hệ thống Đảng; và Ngô Quan Chính, Bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Các cáo buộc chống lại họ là dựa trên vai trò chủ động của họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, khi họ còn là các quan chức hàng đầu tại tỉnh Liêu Ninh, Bắc Kinh và tỉnh Sơn Đông.
Phản ứng của thế giới trước quyết định của Tòa án Tây Ban Nha
Phiên họp công khai của Quốc hội Châu Âu về tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc
Đối diện với thông tin này, chủ tịch của tiểu Ban nhân quyền ở Nghị viện Châu Âu, bà Hautala nói: “Đây là tin đáng tuyên dương“. Bà Hautala cho biết: “Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng một thế giới như vậy, để cho những ai mà phạm các tội chống lại nhân quyền, tội phạm chiến tranh và tội phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng không có nơi để trốn thoát. Một số quốc gia sẽ không cho phép họ đi mà không bị trừng phạt thậm chí các tội phạm không phải là công dân của họ. Tây Ban Nha và Bỉ là các quốc gia đó
Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu,ông Edward McMillan-Scott phát biểu tại cuộc họp
Ông Charles Santiago, Nghị sĩ Malaysia, cho rằng quyết định của Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha về việc bắt giữ Giang Trạch Dân và bốn viên chức Đảng cộng sản Trung Quốc khác về tội diệt chủng và tra tấn là một quyết định quan trọng. Theo báo cáo của một kênh truyền thông, Nghị sĩ Santiago cho biết, quyết định của Tòa án Tây Ban Nha dựa trên những báo cáo nhân quyền của tổ chức Ân xá quốc tế, tổ chức Quan sát nhân quyền, tổ chức sáng lập Luật nhân quyền và Ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, tất cả các tổ chức nhân quyền quốc tế có thẩm quyền và có ảnh hưởng. Ông nói ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những gì nó đã làm và thực hiện một cách minh bạch các chính sách trong quá trình điều tra.
Thành viên quốc hội Malaysia Ông Charles Santiago
Ông Reed Brody là người phát ngôn của tổ chức Nhân quyền quốc tế nổi tiếng – Người theo dõi Nhân quyền. Ông đã đại diện cho tổ chức Người theo dõi Nhân quyền hỗ trợ cho vụ kiện chống lại cựu độc tài Chi-lê là Pinochet. Gần đây, khi được biết về việc Tòa án quốc gia Tây Ban Nha đã xác nhận các cáo trạng đối với 5 thủ phạm chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã phạm tội tra tấn và diệt chủng, ông nói: “Đây là một bước tiến rất quan trọng“.
Ông nói: “Cáo buộc này là dựa trên nguyên tắc thẩm quyền phổ quát. Đó là việc áp dụng luật quốc tế trong một tình huống mà công lý không được đảm bảo ở chính quốc gia đó. Hiển nhiên là đối với người Trung Quốc, thì nên tìm kiếm công lý ở Trung Quốc. Nhưng khi điều này là không thể, thì luật này có thể được áp dụng trong bất cứ tòa án nào. Khi tội ác đủ nghiêm trọng, thì cần phải hành động. Tây Ban Nha sẽ bị chính quyền cộng sản Trung Quốc gây áp lực. Nhưng các thẩm phán Tây Ban Nha là độc lập. Họ sẽ xử lý vụ kiện đã được chấp nhận này rất mạnh mẽ. Đây là một bước tiến rất quan trọng”
Vào ngày 27 tháng 11, luật sư nhân quyền nổi tiếng Tằng Cẩm Nguyên người Đài Loan kêu gọi Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) cùng Tòa án tội phạm quốc tế ở Hague, Hà Lan, đứng lên và ủng hộ bản cáo trạng này. Ông cũng yêu cầu chính phủ Đài Loan ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu năm bị cáo chịu phán xét trước tòa.
Thành viên Hội đồng lập pháp, thành viên Nghị viện NSW Australia bà Marie Ficarra trong một cuộc phỏng vấn gần đây đã phát biểu rằng: “Điều tôi muốn nói là thế giới văn minh nên coi đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng bởi vì đối với một quốc gia như Trung Quốc mà có những chuyện được che dấu quá bí mật là không thể chấp nhận được nữa. Thật tốt khi thấy phán quyết của tòa án Tây Ban Nha và các quốc gia văn minh như Australia không thể đứng nhìn và không phải chỉ dừng lại ở việc nghiêm túc yêu cầu trả lời lý do tại sao chúng ta không được phép vào trại giam, vào bệnh viện và để xem xét một cách độc lập và công bằng.”
Thanh Thanh
(Theo Epochtimes.com, faluninfo.net, minhhue.net)

Trung Quốc lại diễn trên biển Đông

VIT – Ngày 22/01 Trung Quốc cho biết, Hạm đội Nam Hải tổ chức một cuộc diễn tập thực binh trên khu vực biển Đông của Việt Nam (mà chưa được phía Việt Nam cho phép). Mục đích của cuộc diễn tập là để thích nghi với thời tiết, và còn có thể, để thể hiện “chủ quyền Lưỡi Bò”.
Theo yêu cầu của diễn tập, các lực lượng tàu chiến của Hạm đội Nam Hải phải tiến hành hàng loạt các khoa mục tác chiến khác nhau, trong đó tập chung vào hai nội dung chính là hoả lực tấn công và chiến thuật phòng thủ.
Các khoa mục diễn tập này được tiến hành trong điều kiện thời tiết biển vô cùng khắc nghiệt, đây là một trong những yếu tố huấn luyện tiếp cận với chiến trường thực tế, trước sự tác động của mưa, bão và sự hạn chế tầm nhìn của sương mù dày đặc.
Tàu hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển Đông ngày 19/01/2010 (Ảnh Chinamil)

Theo chương trình huấn luyện và diễn tập của lực lượng quân đội Trung Quốc, nội dung huấn luyện tiếp cận và làm quen với môi trường tác chiến thực địa là một trong những chủ đề luôn được chú trọng. Trong đó, nội dung huấn luyện làm quen với môi trường thời tiết thay đổi đột ngột và làm quen với địa hình thực tế là những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Khi nói về vấn đề diễn tập và huấn luyện chiến đấu của quân đội Trung Quốc, một chuyên gia nghiên cứu về khoa học quân sự Trung Quốc thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã khẳng định rằng “Những nội dung huấn luyện chiến đấu của quân đội Trung Quốc gần đây chủ yếu tập chung vào những khía cạnh như tác chiến tầm xa, tác chiến liên hợp, tiếp cận địa hình thực tế, đối phó với sự thay đổi thời tiết biển và nâng cao khả năng tác chiến đối hạm. Điều này đã cho thấy, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm tới tác chiến cận hải”.

Chiến hạm mang tên lửa điều khiển diễn tập trên biển Đông 29/10/2009 (Ảnh Chinamil)
Về mặt chiến lược thì quân đội Trung Quốc có cân nhắc đến các đối thủ “nặng ký” và “nhẹ ký”. Với các đối thủ nặng ký như Mỹ thì Trung Quốc tìm cách lòng vòng, mờ ảo. Tuy nhiên đối với các đối thủ nhẹ ký thì họ tuyên truyền một cương lĩnh “luôn trong tư thế sẵn sàng và chủ động không phân biệt thời chiến hay thời bình”. thể hiện một chính sách “diều hâu” đe dọa  “phản công sẽ không bị hạn chế bởi yếu tố không gian và thời gian, tấn công bất chấp biên giới và tập trung hỏa lực vào những điểm trọng yếu của đối phương”
Tàu chiến Trung Quốc tại vịnh Aden (Ảnh Xinhua)
Mục tiêu huấn luyện về chiến lược hải quân trong tình hình mới là tăng cường khả năng đưa các lực lượng quân sự tới những nơi xa xôi trên biển cả. Việc này thể hiện qua hành động đưa các tàu tuần tra xuống vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tuần tra eo biển Malacca, đưa tàu tuần tra tới biển Somalia, đưa các tàu vươn rộng ra hướng Thái Bình Dương và sang Ấn Độ Dương. Việc đưa các tàu tới Somali để tham gia chống cướp biển cũng có thể chỉ là một trong những biện pháp trá hình cho việc huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến hải quân tầm xa. A
Lan Hương (Tổng hợp)
Nguồn tin của VITINFO

Tại sao Mỹ và Trung Quốc sẽ đụng độ ?

Gideon Rachman
Trần Ngọc Cư dịch
Một thanh niên đến đặt một bó hoa ủng hộ Google trước trụ sở của công ty này ở Bắc Kinh
Sự va chạm giữa Google và Trung Quốc không những chỉ liên quan tới số phận của một công ty tầm cỡ đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Quyết định của Google đòi rút ra khỏi thị trường vĩ đại này, nếu Bắc Kinh không chịu thay đổi chính sách kiểm duyệt thông tin, còn báo hiệu những quan hệ tương lai đầy sóng gió giữ Hoa Kỳ (HK) và Trung Quốc (TQ).
Sở dĩ sự kiện Google cực kỳ có ý nghĩa là vì nó nói lên điều này: những giả định cơ bản trong chính sách ngoại giao của HK đối với TQ, kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, có thể là hoàn toàn sai lạc. Lâu nay HK vẫn chấp nhận – thậm chí còn chào đón – sự trỗi dậy của TQ như một đại cường kinh tế, vì các nhà làm chính sách HK đinh ninh tin tưởng rằng việc mở cửa kinh tế sẽ dẫn đến tự do chính trị tại Trung Quốc.

Nhưng nay, nếu giả định đó thay đổi, rất có thể chính sách của HK đối với TQ cũng phải thay đổi theo. Chào đón sự vươn dậy của một nền kinh tế khổng lồ tại châu Á với hi vọng nó trở nên một quốc gia dân chủ tự do là một chuyện. Nhưng tiếp sức cho sự trỗi dậy của một quốc gia độc đảng toàn trị Lê-nin-nít, có khả năng là đối thủ địa chính trị duy nhất của Mỹ, lại là một chuyện khác. Nếu ta kết hợp sự vỡ mộng chính trị này của Mỹ với tỉ lệ thất nghiệp trên 10% tại Hoa Kỳ, mà nhiều người đổ lỗi cho việc TQ giữ đồng Nhân dân tệ quá thấp so với đồng Mỹ kim, thì ta có thể tìm ra lý cớ cho những phản ứng chống TQ gần gây.
Cả Bill Clinton lẫn George W. Bush đã một thời tin tưởng chắc nịch rằng tự do mậu dịch và nhất là thời đại thông tin sẽ làm cho việc thay đổi chính trị tại TQ là sự kiện không thể đảo ngược. Trong một chuyến công du TQ vào năm 1998, ông Clinton tuyên bố: “Trong thời đại thông tin toàn cầu này, một thời đại mà thành công kinh tế được xây dựng trên nhiều ý kiến khác nhau, thì tự do cá nhân là vô cùng thiết yếu cho sự lớn mạnh của bất cứ quốc gia nào.” Một năm sau, ông Bush cũng đưa ra một luận điểm tương tự: “Tự do kinh tế sẽ tạo ra những lề thói tự do. Và những lề thói tự do đương nhiên nảy sinh ra những kỳ vọng dân chủ…Nếu ta theo đuổi tự do mậu dịch với TQ, thì nhiên hậu thắng lợi sẽ về ta.”
Lúc bấy giờ hẳn là hai vị tổng thống HK chỉ phản ánh tư duy phổ quát trong giới học giả có ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ. Chẳng hạn, Tom Friedman, người viết chuyên đề trên New York Times và là tác giả nhiều sách bán chạy nhất về toàn cầu hoá, có lần đã táo bạo tuyên bố: “TQ sẽ có một chế độ báo chí tự do. Sự kiện toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy việc này.”  Robert Wright, một trong những nhà tư tưởng mà ông Clinton mến chuộng nhất, tranh luận rằng nếu TQ quyết định ngăn chặn tự do tiếp cận thông tin trên internet, “cái giá mà TQ phải trả là một sự thảm bại kinh tế.”
Cho đến nay, những sự kiện diễn ra ở TQ không chịu tuân theo lý thuyết nói trên. Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm duyệt các phương tiện truyền thông cả mới lẫn cũ, nhưng việc này chẳng hề đẩy cường quốc này đến “thảm bại kinh tế”. Trái lại, hiện nay TQ là nền kinh tế đứng nhì thế giới và có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, với một trữ lượng ngoại tệ vượt quá 2000 tỉ đôla. Nhưng toàn bộ sự phát triển kinh tế này ít có dấu hiệu kích thích những chuyển biến chính trị như Bush và Clinton đã dự kiến. Có thay thổi chăng là, chính phủ TQ ngày càng tỏ ra đàn áp thô bạo hơn. Liu Xiaobo, một nhà bất đồng chính kiến hàng đầu tại TQ, vừa bị kết án 11 năm tù ở về tội đã liên quan vào phong trào Hiến chương 08, đòi hỏi cải tổ dân chủ. Quyết định của Google nhằm đối đầu với chính phủ TQ là một dấu hiệu khá sớm nói lên sự kiện người Mỹ đã đâm ra chán ngán vì phải đối phó với chế độ độc tài TQ. Nhưng những sức ép to lớn nhất đối với TQ có thể đến từ chính giới hơn là thương giới HK. Google là công ty khác thường trong một nền công nghệ cực kỳ chính trị hóa. Nếu nhân viên của Google thật sự cuốn gói ra khỏi TQ, điều này không có nghĩa là các tập đoàn đa quốc khác cũng sẽ tranh nhau chạy theo bước chân của họ. Đối với hầu hết các đại công ty, thị trường TQ là quá rộng lớn và quá hấp dẫn, không thể bỏ qua được. Bất luận Google có bỏ đi hay ở lại, giới thương nghiệp Mỹ vẫn duy trì những vận động hành lang biện hộ mạnh mẽ nhất cho việc tiếp tục dấn thân với TQ. Những sức ép đòi hỏi các công ty Mỹ rút ra khỏi thị trường TQ sẽ đến từ những người hoạt động công đoàn, những phần tử diều hâu bận tâm về an ninh quốc gia (security hawks), và những chính khách — đặc biệt tại Quốc Hội Mỹ. Cho đến nay, chính quyền Obama vẫn đặt cơ sở chính sách của mình trên những giả định (assumptions) vốn chi phối đường lối ngoại giao của Mỹ đối với TQ cả một thế hệ nay. Diễn văn bài bản của tổng thống HK trong chuyến công du vừa qua là một lời tuyên bố cổ điển biện minh cho việc HK tích cực dấn thân với TQ — lại điểm thêm một xác quyết khá lễ nghi là HK chào mừng sự vươn dậy của TQ. Nhưng, sau lần bị truyền hình TQ kiểm duyệt tại Thượng Hải và sau lần bị một viên chức cấp thấp của TQ lên lớp ở các cuộc đàm phán về khí hậu tại Copenhagen [Đan Mạch], có lẽ Barack Obama sẽ bớt mặn nồng với Bắc Kinh. Một tín hiệu ban đầu cho biết chính sách của Nhà Trắng đang trở nên cứng rắn có thể diễn ra trong vài tháng tới, khi HK ra quyết định công khai lên án TQ là “nước dùng biện pháp tiền tệ để chi phối mậu dịch” (currency manipulator).
Dù cho bản thân hành pháp HK không có động thái nào đi nữa, thỉ những tiếng nói kêu đòi một chính sách cứng rắn hơn đối với TQ sẽ trở nên mạnh dạn hơn tại Quốc Hội HK. Quyết định của Google làm nổi bật những mối nguy do việc TQ tấn công vào internet sẽ phù hợp với những lo sợ an ninh quốc phòng của Mỹ trước sự lớn mạnh của TQ. Việc TQ phát triển các hệ thống tên lửa có khả năng thách thức sự thống trị của Hải quân HK trên Thái Bình Dương cũng gây ra mối quan ngại tại Washington. Việc HK sắp bán vũ khí cho Đài Loan đã gây ra một cuộc tranh cãi giữa hai cường quốc. Đồng thời, chế độ bảo hộ mậu dịch đang được nương nễ một cách hợp lý tại HK trong những cách thế có thể làm cho TQ phải lo âu. Gần như không ai muốn thấy một chiến tranh mậu dịch xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Một cuộc đụng độ như thế sẽ đẩy thế giới trở lại tình trạng suy thoái kinh tế và sẽ  đưa vào sinh hoạt chính trị quốc tế những căng thẳng mới, đầy nguy hiểm. Nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra, cả HK lẫn TQ đều chịu trách nhiệm trước thế giới. Từ nhiều năm nay, HK gần như ngây thơ một cách chủ quan về mối liên hệ giữa tự do mậu dịch và dân chủ. Còn Trung Quốc thì có thái độ hung hăng về tiền tệ và nhân quyền. Nếu chính quyền TQ muốn chặn đứng một cuộc xung đột tai hại với HK, thiết tưởng Bắc Kinh cần phải thay đổi chính sách cứng rắn của mình.
Nguồn: Financial Times, January 18, 2010

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

ÂN HUỆ

Thơ Trịnh Sơn
Anh thương em
Không giận
Một nửa láng giềng một nửa cả tin
Đôi khi khoảng trống mở ra cho ánh sáng chui vào
Nhân tình
Lảng vảng
Ngáy khò khò lũ côn trùng chen mộng mị bốn mươi năm ngớ ngẩn

Ngủ ngon nghe em
Xuôi tay tháng mười hai
Mốt mai hết Chạp lạnh rướn đông qua quẩn quanh Giêng kịp
Anh ăn cắp hơi ấm kiếp sau của mình cho vòng tay em đêm nay
Không tiếc nữa
Sáo chìm sông
Còn Trương Chi mê mẩn đáy tình
Ngủ ngon nghe anh
Ngược phía tối có đôi cánh Satan che móng vuốt
Cánh nào cũng là cánh
Bay lên là kẻ thắng ?
Trái tim muôn đời mắc nợ trơ trọi vạc sành rơi
Trống đồng rơi
Em rơi
Em bơi
Em chơi vơi
Con còng chạy ngang còn biết tìm hang mà lấp
Ngược ngược xuôi xuôi anh tìm sóng nấp nghiêng người
Có thể ngày mai con chiên lên giàn thiêu
Có thể ngày mai tên châm lửa lên giàn thiêu
Có thể ngày mai giàn thiêu tự thiêu
Anh thương em
Không giận
Nát mùa đông
Đóng băng ổ cứng
Mỗi con người có quyền giữ riêng mình một ổ cứng
Cho đến khi thòng lọng thõng eo mềm
Trịnh Sơn

Thư giãn Chủ Nhật

Kính gởi bác Phạm Toàn,
Có người đọc Chuyện Loài Chim Rủ Nhau Bảo Vệ Rừng thắc mắc không biết con chim buồn tười trông ra làm sao?
Tôi xí xọn trả lời rằng chim buồn tười có tên tiếng Anh là bushtit, tên khoa học là Psaltriparus minimus.  Gọi là minimus bởi vì con chim này rất bé, đo từ mỏ cho đến cuối phần đuôi cũng chỉ được 9 cm.  Nhưng chim này rất gan dạ, cho nên được bầu làm đầu đàn….
Tôi xin gởi kèm theo đây hinh ảnh chim buồn tười đang đứng trong tổ dương cặp mắt cảnh giác bọn đang rắp tâm phá tổ phá nhà của nó ở ven rừng Liễu!
Nay kính,
Võ Văn Cần

Kịch ở sân trường, bãi thả ngựa… làm ta rơi nước mắt

Hơn nửa triệu khán giả nhí của chương trình Tiếng nói trẻ thơ đã được xem kịch miễn phí trên sân khấu là sân trường, sân đình, phòng bệnh viện, bãi thả bò, ngựa…
Dự án sân khấu Tiếng nói trẻ thơ (Children’s voice) dành cho trẻ em nghèo, khuyết tật được Quỹ hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ, với sự tham gia của ba đơn vị Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội), Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B TP.HCM, đã kết thúc 3 năm thực hiện.

Sân khấu là những chiếc bàn học ghép lại. Hơn nửa triệu khán giả thiếu nhi ở nhiều miền đất nước đã được xem kịch miễn phí. Ảnh: Hoàng Duẩn
Hơn nửa triệu trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đã được xem kịch miễn phí từ chương trình. Người trong cuộc, đạo diễn Hoàng Duẩn (Nhà hát Kịch TP.HCM) ghi lại những câu chuyện xúc động từ chương trình, và những suy tư về sân khấu dành cho thiếu nhi.

Con sẽ về xin lỗi ba mẹ
Vở diễn Chuyện hai đứa trẻ kết thúc, cậu trai công tử giận ba mẹ bỏ nhà đi bụi trở về với gia đình, còn cậu bé bụi đời thứ thiệt vẫn ngồi trong đêm khuya khoắt chờ mẹ như đã chờ 14 năm qua. Sân trường tiểu học Minh Đạo, TP.HCM vang lên những tiếng thút thít. Khán giả nhí mắt đỏ hoe. Thầy cô cũng khóc. Quên cả nắng nóng.
Tôi hỏi rằng đã có bạn nào từng “mượn” tiền ba mẹ mà “quên” không xin phép như nhân vật trong kịch. Chẳng ai trả lời. Nhưng rồi có những cánh tay đưa lên. Thú nhận: “Con đã từng lấy tiền của ba mẹ để chơi games, ba mẹ chỉ la chung chung vì không biết ai lấy. Con sẽ về nói thật và xin lỗi, chắc ba mẹ sẽ không đánh đòn đâu”. Hứa hẹn: “Em sẽ không bao giờ lấy tiền của ba mẹ nữa”. Hối hận: “Em sợ mất ba”… Tan trường, tôi nhìn thấy một vài cô, cậu bé chạy ra ôm ba, mẹ đến đón và khóc, như thể sợ họ tan biến mất.

Khán giả nhí khóc ngon lành khi xem vở Chuyện hai đứa trẻ. Ảnh: Hoàng Duẩn
Một giáo viên trường tiểu học Kim Đồng tâm sự rằng rất bất ngờ khi thấy học sinh của mình… đi nhặt rác trên sân trường sau khi xem xong vở Chuyện của Tí về đề tài môi trường. Hiệu trưởng trường Nguyễn Du thừa nhận: “Có khi chúng tôi lên lớp dạy về một vấn đề nào đó hàng tháng trời, thậm chí cả năm trời, nhưng không tác dụng bằng một buổi biểu diễn!”.
Hiệu quả đã vượt qua mục tiêu nghe to tát ban đầu của chương trình rằng “nâng cao quyền hưởng thụ sân khấu cho trẻ em”. Có trường còn đề nghị trợ giúp kinh phí để thực hiện tiếp những buổi diễn tương tự.
Đề nghị dựng vở có… nhiều tiền và bánh mì
Trong những lần đi thực tế, chúng tôi gặp nhiều thiếu nhi ở các mái ấm, nhà mở. Những đứa trẻ xuất thân từ đường phố chịu nhiều thiệt thòi, rụt rè, đa nghi và bí ẩn này đã kích thích chúng tôi phải dựng vở về chúng. Chẳng hạn, một cậu bé rất ghét ngày 16/7 vì đó là ngày mà em bị cha dượng và mẹ bỏ ngoài đường…

Thưởng thức kịch trong bệnh viện với dịch truyền trên người. Có những em hôm nay còn ngồi xem kịch, hôm sau đã không còn nữa. Ảnh: Hoàng Duẩn
Đáng nhớ là những “đơn đặt hàng” của các em để chúng tôi dựng kịch. Có cô bé đặt hàng làm vở cần có đầy đủ cha mẹ, ông bà nội, vì em bị bỏ rơi trước cổng chùa Diệu Giác khi còn rất nhỏ, chưa biết cha mẹ mình là ai. Có em đề nghị dựng kịch trong đó đơn giản chỉ cần có nhiều bánh mì và nhiều tiền. Có em đề xuất làm tiếp phần hai của vở Chuyện hai đứa trẻ vì thích nhân vật chính cũng hành nghề đánh giày giống mình.
Những câu chuyện thực tế này giúp chúng tôi hiểu thế giới trẻ thơ hơn. Chương trình Tiếng nói trẻ thơ được thực hiện bởi chính các em, từ các em, chứ người lớn không áp đặt trẻ làm theo điều mình muốn.
Tìm “nhà” để “hát” cho thiếu nhi
Chương trình Tiếng nói trẻ thơ đã mang nhà hát đến với thiếu nhi, tìm nhà hát để diễn cho các em. “Nhà hát” ở khắp nơi, từ sân trường đến sân chùa, sân đình, từ phòng bệnh viện ra ngoài bãi thả bò, ngựa… Bỗng một ngày những nghệ sĩ vừa quen vừa lạ đứng ngay trước mặt mình, khán giả nhỏ tuổi tưởng như một giấc mơ.

Sàn diễn dã chiến dựng ngay trên bãi chăn thả ngựa. Ảnh: Hoàng Duẩn
Ngược lại, đó là niềm vui khi chúng tôi được đến với các em thiếu nhi ở nhiều miền đất nước. Khán giả của chúng tôi không chỉ có những em ở các nhà mở, trong các ngôi chùa, ở miền sông nước hay cao nguyên. Đó còn là những em nhỏ ở những bệnh viện, xem kịch với đầy những dây nhợ trên người, hôm nay còn cười nói theo kịch nhưng ngày mai đi mãi không về.
Quan điểm về khái niệm nhà hát nhìn từ góc độ của những người làm sân khấu như chúng tôi có lẽ đã thay đổi. Nhà hát không nên là có nhà rồi mới nghĩ đến chuyện hát, mà nên là tìm nhà để hát cho trẻ xem, nghe.
Tôi đã chứng kiến ở đất nước Thụy Điển, người ta còn diễn kịch cho trẻ em mới… 6 tháng tuổi xem, vừa xem, vừa bú bình, vừa khóc, nghệ sĩ cứ diễn… Ngoài 140 nhà hát chuyên biểu diễn cho thiếu nhi, họ còn có nhà hát lưu động đi diễn khắp nước.
TP.HCM hiện có 3 triệu trẻ em, mà không có riêng một nơi diễn dành cho thiếu nhi, nói gì đến trẻ em vùng xa xôi…
Những tiếng khóc và những nụ cười

Những nụ cười răng sún khi xem kịch trong chương trình Tiếng nói trẻ thơ. Ảnh: Hoàng Duẩn
Trong suốt hơn 300 suất diễn ở nhiều địa phương, trường học, bệnh viện, nhà chùa, mái ấm, những người thực hiện chương trình Tiếng nói trẻ thơ ở Nhà hát Kịch TP.HCM không thể nào quên các khán giả đặc biệt của mình.
Say sưa với thế giới của các nhân vật trong vở kịch, khán giả nhí quên mất mình đang ngồi trên sân trường hay giữa bãi cỏ, dưới trời nắng hay mưa. Các cô cậu bé hết cười nắc nẻ rồi lại khóc như mưa theo những tình huống kịch.
Đó là những khán giả nhiệt thành, đam mê và lịch sự nhất. Sân khấu dã chiến, nhưng không có cảnh khán giả lôi điện thoại ra nghe trong lúc diễn viên đang diễn, không có chuyện người xem mắt dõi theo tình huống kịch mà miệng nhai kẹo cao su, như vẫn thường thấy trong những nhà hát hiện đại ở thành thị.
Bà Emma Thompson, đại diện của Hiệp hội sân khấu quốc tế tại Thụy Điển, đơn vị tham gia thực hiện dự án, chia sẻ: “Nhìn những giọt nước mắt, nụ cười và sự cộng hưởng nhiệt tình từ các em thiếu nhi trong suốt các vở diễn, tôi thấy dự án Tiếng nói trẻ thơ đã thành công ngoài dự kiến”.

Nụ cười của khán giả học trò thành phố…
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
… đến khán giả nhí trong bệnh viện và trẻ miền cao.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Cười tít cả mắt…
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
… cong cả lưỡi.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Thật sảng khoái.

Bé gái vừa xem kịch vừa khóc nức nở.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Dụi mắt, lau mũi.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Con gái khóc, con trai cũng rơi nước mắt.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Buồn và lo âu.
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Cậu bé bưng mặt che nước mắt, cô bé khóc vã cả mồ hôi.
Ba đơn vị tham gia dự án Tiếng nói trẻ thơ đã thực hiện hơn 700 suất diễn. Nhà hát kịch sân khấu nhỏ huy động 100 diễn viên tham gia, xây dựng 10 vở như Sau cơn mưa, Tiếng hát dòng sông, Về đâu…, diễn gần 200 suất. Nhà hát Kịch TP.HCM đã diễn hơn 300 suất với kịch mục đa dạng hơn: kịch nói (vở Chuyện hai đứa trẻ), rối đen (Vì sao thuồng luồng hóa rồng), kịch câm, rối cạn. Đạo diễn Sengupta Rudraprasad, giám đốc nhà hát Nandikan, Ấn Độ sau khi xem vở Vì sao thuồng luồng hóa rồng trong chương trình Tiếng nói trẻ thơ, đã tỏ ra khâm phục cách làm sân khấu cho thiếu nhi của đồng nghiệp Việt Nam. Ông đã xin kịch bản của vở kịch mà mình cho rằng “vấn đề đưa ra rất gần gũi với cuộc sống” để về nước dàn dựng trên sân khấu nhà hát Nandikan.
  • Đạo diễn Hoàng Duẩn
Nguồn: vietnamnet.vn

Bài học từ những chuyến đi

Bộ phim video phản ánh công việc đoàn cứu trợ lũ lụt Bauxite Việt Nam. 
Bài học từ những chuyến đi

Chuyện loài chim rủ nhau bảo vệ Rừng

Nhân vật

… Trước hết có một con chim được bà con trong Rừng coi là chim đầu đàn. Đầu đàn không vì xác to lực khỏe mà cũng chẳng vì ăn sấm nói chớp. Đầu đàn chỉ vì trẻ em khắp nơi đều kháo nhau rằng con chim đó buồn tười.
“Buồn tười” nhất là cách cho con ăn, nó kết hợp ăn và học, gọi là ăn-học, theo cách rất thi vị như sau.
Nó mở nhạc gọi con về, sau đó nó lấy ngón tay như những cái mỏ gõ gõ chữ “lương thực” chẳng hạn, gõ tới đâu con cái nhặt lương thực mà ăn, bụng lưng lửng thì cũng vừa nhớ mặt chữ.
Bữa sau nó gõ chữ “ngũ cốc”, con cái vừa no bụng vừa học cách viết tên các loại hạt. Muốn gọi con về uống nước thì gõ gõ chữ “thủy” hoặc “trà”. Bạn đến, muốn đãi cốc rượu vang thì gõ gõ thành thơ Bồ đào mỹ tửu … liền có ngay chai vang đỏ và mấy cái ly.
Thấy con mình ăn hạt mãi cũng nhạt nhẽo, nó liền gõ chữ “điền kê”, các con ăn vào thấy khoái lắm, hỏi món gì, hóa ra đó là món “gà đồng” hoặc món “thịt ếch”. “Điền kê” thì có một loại chữ để gõ gõ, còn “gà đồng” và “thịt ếch” thì không có chữ,  nó liền dùng thứ chữ khác nôm na hơn mà gõ gõ…
Cứ thế chẳng bao lâu nó có biệt danh là con chim Buồn Tười. Có một cái ủy ban nào đó muốn mời nó đến dạy chuyện ăn-học, nhưng thư lại đề nhầm tên, vì thấy nó khéo nuôi con nên tưởng nó là con chim cái, thành ra thư không bao giờ đến nơi, và cái ủy ban nọ đành chịu mù chữ.

Nhập cuộc

Con chim Buồn Tười ở một cánh rừng gần rừng Liễu. Gọi là rừng liễu, nhưng có còn cây nào đâu, rừng bị chặt xơ xác cả, nay chỉ còn mấy hàng liễu trong tưởng tượng thơ mộng, họ nhà chim liền gọi đó là “rừng” Liễu Giai, kỳ tinh rừng mà chỉ có đường nhựa, Ngân hàng cổ phần, hàng bún nem và rất nhiều hoạt động xanh đỏ lòe loẹt khác.
Đi qua “rừng” Liễu Giai thì đến cánh rừng của chim Buồn Tười. Tên của cánh rừng này cũng đáng để bạn đọc theo dõi.
Thoạt kỳ thủy, cánh rừng của chim Buồn Tười không có tên. Một hôm có người sứ giả đến xin ý kiến chim Buồn Tười chuyện đặt tên khu rừng này. Chim Buồn Tười khi đó đang mải làm cái gì đó, miệng cứ lẩm nhẩm Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, sơn hà thiên cổ điện kim âu … Sứ giả về, đề nghị gọi tên khu rừng này là Kim Âu, nhưng vì dốt nên viết tờ sớ nhầm Kim Âu thành Kim Mã, có điều là, vì đã quen vênh váo và thích “tư duy mới và tạo đột phá”, nên tên rừng này bỗng thành Kim Mã Thượng.
Tên rừng như thế cũng hay ho, nhưng rừng chẳng còn cây. Chính vì suy ngẫm về cánh rừng xác xơ mình đang sống nên chim Buồn Tười rất thương dân ở vùng Rừng Chít.
Bà con ta biết rằng ở vùng núi có cây chít quanh năm mọc xanh rờn. Lá chít để gói bánh. Hoa chít dùng làm chổi xuất khẩu, đem được tiền về mà rừng thì vẫn còn nguyên vẹn. Bỗng nẩy nòi một lão hàng Than thuộc nòi cờ bạc, nổi tiếng vì luôn luôn dùng công quỹ đặt cửa năm mươi năm mươi. Lão này quen bán than thổ phỉ sang một nước khác cho họ chôn xuống đất thành mỏ than nhân tạo dùng trong nhiều năm. Bây giờ được thái thú Thập Lục Kim Tự chỉ đạo, lão lại gợi ý quan thầy đem bán Rừng Chít.
Chim Buồn Tười giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha, liền cùng anh chị em trí thức tổ chức ra một bản tin mạng có tên là Bảo vệ Chít, chủ trương chống khai thác tài nguyên bừa bãi, chống bán nước bán rừng, chống bán ngư dân và bán lưỡi bò, chống cả việc phá nhà rông và gây ô nhiễm đất đai và ô nhiễm văn hóa cho muôn đời con cháu.

Đàn áp

Bản tin mạng Bảo vệ Chít ra đời giữa tháng 4-2009, đến tháng 12-2009 đã có 17 triệu rưỡi lượt người đọc.
Dân thì mừng, còn Quan thì đần mặt ra nghĩ mẹo chống phá.
Có điều là trong chiếu Quan có ba phe.
Một phe theo thái thú Thập Lục Kim Tự đến cùng đường mãn kiếp. Phe này sáng nào ngủ dậy cũng đứng trước hình chiếc xe tăng và chàng trai áo trắng chặn xe tăng. Họ đứng đó lầm nhầm cầu kinh “Van xuây van xuây…  cầu cho Dân không bao giờ có Dân Trí … van xuây van xuây”. Cầu kinh thế nào, hành vi thế ấy. Phe này chủ trương bắt chim Buồn Tười bỏ ngục ngay tắp lự. Buồn Tười mà vào ngục thì bản tin mạng Bảo vệ Chít cũng toi.
Một phe cương quyết không theo thái thú Thập Lục Kim Tự, vì họ biết rằng, nếu quân đội của họ mà thực hiện hảo bằng hữu, hảo lân bang, hảo đồng chí và nếu đợi họ đến giải phóng cho thì chỉ có mà toi đời! Đừng tưởng bọn thái thú đó sẽ giết dân! Chúng cần dân để sản xuất. Chúng sẽ tiêu diệt bằng hết những ai mang súng. Mà nếu chưa bị tiêu diệt nhưng mang súng mà đẻ giặc tràn vào nhà thì mang nỗi nhục càng khó sống, đành theo gương Từ Hải thôi.  Phe này trì hoãn bằng chủ trương nếu có bắt chim Buồn Tười bỏ ngục thì cũng phải làm đúng thủ tục tố tụng. Nhưng xin hiểu, đó không phải là tinh thần thượng tôn pháp luật nhé, mà vẫn là cái đầu óc con buôn, thắng thua gì cũng lấy bản thân mình làm mục đích.
Còn một phe trẻ trung, có khi là trẻ về tuổi, có khi tuổi không còn trẻ nhưng tâm hồn vẫn trẻ, gọi gộp là phe Trẻ, phe này nghĩ đến trách nhiệm lâu dài, cương quyết xây dựng nền pháp chế. Nhưng phe này không mạnh, có thể nói là yếu nữa, nên nó chỉ có thể làm ăn theo lối cầm cự (hoặc còn gọi là cầm chừng, chờ thời). Dẫu sao thì trước sau phe này đều có thiện cảm với chim Buồn Tười và thiện cảm ăn theo luôn cả với bản tin mạng Bảo vệ Chít của loài chim trời ưa tự do, quý độc lập, nhất là tự do và độc lập trong tư duy.
Và thế là có cuộc  khám nhà chim Buồn Tười. Việc khám nhà khi chưa có lệnh khởi tố là sai bét. Nhưng tại sao họ vẫn liều lĩnh khám nhà chim Buồn Tười? Rất dễ hiểu. Nếu sau khi “làm việc thân mật” và lục lọi ổ cứng mà tìm ra những bằng chứng phản loạn, thì họ đúng là “vô cùng sáng suốt”, lúc đó ký giấy khởi tố cũng còn kịp.
Tiếc thay, hai tuần lễ làm việc lại chẳng moi ra nổi tí tẹo tì teo gì phản loạn. Chỉ có hai lỗi nhỏ như con kiến: một lỗi biên tập và một lỗi bị gán cho là chưa đúng thủ tục. Cái lỗi con kiến này nếu đem so với lỗi bán nước to như con voi thì quả là … đáng tuyên dương công tích. Chim Buồn Tười đúng là có nghề biên tập. Đó là lý do chim Buồn Tười được cho “ngừng làm việc” mà cái sự “thất nghiệp” đó lại thành niềm vui cho tất cả những ai vô cùng yêu lao động.

Vĩ thanh

Người viết lại câu chuyện này cũng là một con chim, nhưng do tài không cao đức không nặng nên vẫn bị bà con đặt tên là con chim Vô Tích Sự.
Chim Buồn Tười ngừng làm việc trở về, thấy nhà cửa vẫn gọn gàng, bản tin mạng ra đều đều và đúng đắn, liền mang ra một be rượu vang đỏ, phán rằng:
–    Uống đi uống đi … Từ nay xóa cho cái tên Vô Tích Sự, chỉ còn gọi bằng Vô Tích, bằng lòng không?
–    Tên này lại gợi đến câu khi Vô Tích, khi Lâm Truy … hãm lắm.
–    Thì Vô Sự vậy.
–    Vô Sự thì lại bị động và lười quá… vô sự sinh hữu sự!
–    Thế chọn tên gì, nói ngay.
–    Xin cho một chữ Vô là đủ.
–    Vô?
–    Vô! Mà xin cho gọi tên Vô theo tiếng Latin cho có nhạc tính: Nihilo Nihilissimo Nihil.
–    Thế … thế … Hán Nôm viết ra sao?
Hà Nội sáng 23 tháng 01-2010
Phạm Toàn

Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa đẻ ra óc kỳ thị chủng tộc kiểu Trung Hoa

Hãy gọi sự kỳ thị dành cho người dân tộc Uighur (Duy Ngô Nhĩ) là một cuộc thanh tẩy chủng tộc (ethnic cleansing) có đặc tính Trung Hoa.
Trong hai thập niên vừa qua, các quan lớn cộng sản Trung Quốc (TQ) đã cố vận dụng chủ nghĩa dân tộc nhằm lấp liếm tính chính đáng đầy nghi vấn (dubious legitimacy) của chế độ. Bằng cách biến mọi sai phạm của Trung Quốc thành một sự xúc phạm do người nước ngoài gây ra, chế độ Bắc Kinh đã tạo được một cảm thức “Trung Quốc là trên hết” (China Uber Alles), xin mượn cụm từ của một chế độ đã bị vùi sâu vào dĩ vãng [1].
Biến chứng của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa kiểu mới là một dạng kỳ thị chủng tộc độc hại. Nói chính xác hơn, đó là óc kỳ thị chủng tộc của người Hán Hoa.

Chủng tộc Hán khống chế thế giới người Hoa trong mọi cách thế mà người ta có thể tưởng tượng ra. Dù họ giàu hay nghèo. Dù họ nói tiếng Quảng Đông hay Quan thoại. Dù họ sinh ở Thượng Hải hoặc Đài Loan hay Los Angeles. Nhưng họ cùng chung một dòng máu từ một cội nguồn tiên tổ.
Vì lãnh thổ nguyên thủy của Trung Quốc có một dân số gần như thuần chủng, vấn đề chủng tộc hiếm khi là một đề tài đáng tranh luận. Dân tộc Hán rốt cuộc đã đoàn kết lại vào thế kỷ 19 nhằm mục đích đánh đuổi giới thống trị gốc Mãn Châu ra khỏi Trung Quốc. Một khi Nhà Thanh bị lật đổ năm 1911, hồ sơ quan hệ chủng tộc tại Trung Quốc coi như được khép lại.
Cho đến bây giờ.
Sau khi giành được chiến thắng trong cuộc Nội chiến vào năm 1949, người Cộng sản Trung Quốc đã cố duy trì sự vẹn toàn lãnh thổ, nhất là sau nhiều cuộc đụng độ biên giới với Liên Xô, Ấn Độ và Việt Nam. Nhằm nắm vững những vùng sâu gần biên giới trong phần lãnh thổ rộng lớn phía tây của nước Cộng hoà Nhân dân, chính phủ Bắc Kinh đã đầu tư vào chính sách đưa những thành phần đáng tin cậy đến những vùng có tiềm năng rối loạn.
Đây là một chương trình định cư to lớn, mà nếu đem ra so sánh thì chương trình định cư của Israel chỉ là trò chơi con trẻ.
Người Hán Hoa lũ lượt tràn vào Tây Tạng và Tân Cương (nghĩa đen là “Lãnh thổ Mới”) trong những năm sau khi Quân Giải phóng Nhân dân tiến vào nắm quyền kiểm soát những vùng này. Chính phủ TQ đã khuyến dụ người Hán Hoa di cư đến những nơi cách xa vùng trung châu cả hàng ngàn dặm bằng cách hứa hẹn với họ việc làm tốt hơn, địa vị cao hơn và tương lai tương sáng hơn.
Thành quả của chương trình này là một trong những cuộc chuyển dịch dân số (population shifts) lớn nhất của thế giới kể từ khi người Đức bị trục xuất ra khỏi Đông Âu vào cuối Thế chiến II. Vào năm 1949, người Hán Hoa chỉ chiếm 5% dân số Tân Cương. Ngày nay con số đó đã lên tới 41%, chẳng bao lâu nữa chắc họ sẽ che mờ người bản địa Uighur theo đạo Hồi hiện chiếm 45% dân số. Urumqi, thủ phủ hiện đại lấm chấm những nhà chọc trời, bị khống chế bởi người Hán Hoa, một chủng tộc chiếm đến 75% trong số 2 triệu rưỡi dân của thành phố này.
Việc định cư thành công dân tộc Hán tại Tân Cương làm nổi bật tầm quan trọng của vùng này đối với chế độ Bắc Kinh. Mặc dù Tây Tạng được thế giới bên ngoài chú ý nhiều hơn, nhưng Tân Cương mới thật sự trọng yếu hơn đối với Trung Quốc.
Với diện tích lớn hơn gấp đôi bang Texas, Tân Cương nằm trên Con đường Tơ lụa cỗ xưa và là vùng đất phong phú tài nguyên như khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa. Tân Cương là nhà chứa những cơ sở vũ khí hạch nhân của Trung Quốc. Biên thùy của nó được rặng Thiên Sơn sừng sững đứng canh phòng, che chắn cho Trung Quốc khỏi bị phiền nhiễu vì những nước láng giềng bất ổn của vùng Trung Á.
Cũng như Tây Tạng, trên danh nghĩa Tân Cương là một “vùng tự trị”, nhưng tên gọi này cũng thiếu trung thực như cụm từ “Cộng hoà Nhân dân”. Người bản địa Uighur không được nắm giữ những chức vụ then chốt, đành rằng những chức vụ này đương nhiên chịu sự kiểm tra của Bắc Kinh. Thật vậy, mặc dù cách xa thủ đô đến 3000 dặm Anh, toàn bộ Tân Cương (cũng như toàn bộ Trung Quốc) đều theo giờ giấc của Bắc Kinh.
Ngoài việc đưa người Hán vào Tân Cương để đảm bảo có được một khối dân trung kiên, một yếu tố khác của chính sách “thanh tẩy chủng tộc” là việc đưa người dân tộc Uighur ra khỏi Tân Cương. Hàng ngàn người Uighur bản địa đã bị đưa ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn để nhận việc làm trong nội địa Trung Quốc. Bề ngoài, sự thuyên chuyển này có mục đích giúp người dân Uighur có đồng lương cao hơn và tương lai tươi sáng hơn, đúng như những điều Bắc Kinh đã hứa hẹn người Hán Hoa tại Tân Cương.
Những rối ren tuần này [tức đầu tháng 7-2009] không khởi sự tại Tân Cương mà tại Quảng Đông, nơi những người Uighur, sống xa quê hương và làm công nhân nhà máy, có chuyện xô xát với người Hán Hoa địa phương. Khi người Uighur tổ chức biểu tình tại Urumqi, họ gặp sự chống trả của những đám đông Hán Hoa, nhiều hơn họ đến 5 lần, trong thủ phủ của vùng đất có cái tên khá mỉa mai “Vùng Tự trị Uighur Tân Cương”.
Rõ ràng là, từ những vụ bạo loạn năm ngoái tại Lhasa [thủ phủ của Tây Tạng] đến những bạo loạn tuần này tại Urumqi, nhiều người Hán Hoa đã để lộ một ý thức tự tôn về chủng tộc mình.
Một cụm từ mà người ta thường nghe từ cửa miệng của người Hán Hoa bình thường trên đường phố là “đồ vong ơn bội nghĩa”. Nói thế khác: Bọn dân tộc ít người lạc hậu kia lẽ ra phải biết ơn về tất cả cơ sở hạ tầng hiện đại và mức sống tốt đẹp mà người Hán Hoa đã ban phát cho họ chứ không nên gây rối loạn.
Đã qua rồi cái thời mà sự hoà hợp chủng tộc là một quan niệm được đề cao tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh giai cấp nhưng cũng đòi hỏi lòng nhân ái (ít ra trên danh nghĩa) đối với các dân tộc ít người. Thời đó, ngay cả tờ giấy bạc Nhân dân tệ của TQ cũng cố tình mô tả hết mọi dân tộc thiểu số trong sắc phục địa phương của họ.
Nhưng đó là cái thời mọi người  còn bị áp bức tại Trung Quốc. Bây giờ Trung Quốc đã rộng lớn hơn, hùng mạnh hơn, và giàu có hơn bao giờ cả, thì việc quan tâm đến những bất bình của các dân tộc ít người không còn là một ưu tiên.
Thật vậy, những bất bình này đã được đáp lại không phải chỉ bằng những cái nhún vai khinh rẻ, nhưng bằng những cú đấm, gậy gộc và cả súng đạn – không phải chỉ do cảnh sát và quân đội. Bạn có thể gọi đó là sự kỳ thị chủng tộc mang đặc tính Trung Hoa.
Samuel Chi
Trần Ngọc Cư dịch, tạp chí talawas số Mùa Thu 2009

[1] “Deutschland über alles” (nước Đức là trên hết, ND)
Nguồn:
http://www.realclearworld.com/articles/2009/07/09/chinese_nationalism_beget_chinese_racism_96900.html

Tấm lòng bè bạn

LBT – Được tin giáo sư Huệ Chi “ngừng làm việc”, ai ai cũng mừng cho sự “thất nghiệp” thú vị đó. Nhiều thư điện tử được gửi về. Boxitvn xin trích đăng vài ba lá…
_____________
Kính thưa các anh Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng và những người đã có bài trên trang bauxite,
… hãy cho tôi bày tỏ sự trân trọng, lòng kính mến, cảm phục của tôi một con người trong độ tuổi “tri thiên mệnh” thuộc thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tới các anh Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng. Hãy cố lưu giữ bài các anh đã viết vì không cần chờ đến “ba trăm năm nữa ta đâu biết, thiên hạ ai người khóc…”.
Tôi đã không khóc khi trúng đạn bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Lào - Đường 9. Tôi đã không khóc khi nhiều lần quằn quại vì những cơn sốt rét rừng tàn phá thể xác mình ở tuổi mười tám, đôi mươi. Nhưng lúc này đây tôi đang khóc, khóc vì kính trọng, vì yêu quý và khóc vì sợ và lo cho các anh… hu, hu, hu…
nguoi dan nuoc viet

_____________
Kính gởi bác Huệ Chi và toàn thể các cô chú trong BBT Bauxite,
Cháu rất vui khi vừa đọc thông báo, trang Blog của Bauxite đứng thứ 49 trong hơn 9 triệu Blog trên thế giới. Hoan hô! Hoan hô!
Mấy ngày nay cháu rất muốn hỏi thăm bác Huệ Chi vì biết bác ấy đang vất vả vật vã với mấy ông an ninh, nhưng nghe ổ cứng máy bị mượn nên cháu sợ email không tới bác Chi được. Cháu mừng khi thấy Blog thông tin địa chỉ email mới.

Cháu muốn bày tỏ chút tình cảm với trang Bauxite và các cô chú trong BBT, đặc biệt với bác Huệ Chi. Cháu trân trọng và cảm phục tinh thần Bauxite quyết sống của các bác các cô chú. Các bác đã cho chúng cháu một niềm tin để bám víu khi bây giờ chân lý đang bị chà đạp.
Cháu chúc các bác, các cô chú trong BBT luôn dồi dào sức khỏe và luôn vững vàng..
Trân trọng,
Cháu Ng D T. Ly
_____________
Kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi và các bác trong BBT
Bây lâu nay chúng tôi vẫn theo dõi theo từng giờ từng ngày thông tin trên trang web này, lòng vừa phẫn nộ vừa lo lắng cho các bác.
Tôi đã từng sống qua chế độ của miền Nam lúc trước, đã từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc sau khi TQ chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Hồi đó chỉ là học sinh lớp 11, và lòng chúng tôi sục sôi căm hờn vì chuyện TQ cưỡng chiếm đất đai của mình.
Cách đây mấy năm các cuộc biểu tình chống TQ ở Hà Nội, Saigon làm cho tôi nhớ lại thời 1974, rất mừng khi thấy dòng máu hào hùng của tổ tiên Việt luôn luôn hiện diện qua bao thế hệ, nhưng sau đó tủi hổ và uất hận khi thấy sự đàn áp của chính quyền.
Bây giờ là cuộc “đàn áp tinh vi”, hay đúng nghĩa hơn là khủng bố lên nguời chủ biên trang bauxitevn như bác Phạm Toàn đã gọi tên.
Sáng nay đọc thấy thông báo GS Huệ Chi đã an toàn, song khi đọc câu nói của cậu Công An, đọc đi đọc lại mà không hiểu được “thành tâm” của cậu ta ở chổ nào, hay đó chỉ là một mưu lược tinh vi để làm cho các bác bỏ cuộc?
Là một trong muôn ngàn độc giả của trang web này, giờ sống xa đất nước thân yêu của mình nữa vòng trái đất, trước nhất tôi chúc sức khỏe cho GS Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng và cầu mong cho trang web này được tiếp tục, nếu không thì biểu tượng cuối cùng của “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” của VN sẽ không còn nữa và lịch sử VN sẽ mang một vết nhơ.
Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Lần nữa mong các bác giũ gìn sức khỏe và cho tôi kính gửi lời thăm luật sư Cù Hà Huy Vũ nữa.
Kính,
Lê Gia Vinh (số 443 trong danh sách kiến nghị)
Calgary, Alberta, Canada

_____________
Thân mến chào anh Huệ Chi,
Nghe tin anh đã chấm dứt xong những buổi làm việc tận tuỵ với Nhà Nước Việt Nam, bây giờ trở về với BauxiteVietNam, tôi rất làm vui mừng, đã tan hết nỗi lo âu canh cánh trong lòng này.
Thêm một lần nữa tôi cũng chúc mừng các anh sáng lập viên BVN đã cố gắng kiên trì giữ bình tĩnh, vẫn lạc quan yêu đời, giữ gìn tiếng nói phán biện trí thức trong sáng, trong cơn sóng gió vừa qua.
Tôi vẫn luôn chờ đợi ngày trở về vinh quang của anh Huệ Chi và ngày Trang Mạng nguyên thuỷ BauxiteVietNam.info được tái lập theo hình thức và mục tiêu muôn thuở, để chúng ta, mọi người từ trong ra ngoài nước, có dịp cùng nhau sát cánh đóng góp ý kiến xây dựng tích cực cho quê hương đất nước.
Tôi mong chờ các anh BBT BVN lên tiếng một lần nữa để xác định đường hướng và phương pháp điều hành Trang Mạng trong bối cảnh chính trị mới này, nhất là sau khi anh Huệ Chi đã chấp nhận lỗi lầm nhỏ trong cách biên tập và thủ tục .
Mong chờ hồi âm sớm của các anh,
LQ Trinh
Kỹ sư tư vấn, Canada

_____________
Thưa Giáo Sư,
Thành thật chúc mừng Giáo Sư được thảnh thơi sau hai tuần làm việc “khẩn cấp khôn lường”.
Cầu luôn luôn nghĩ rằng một khi chúng ta thành tâm, trong sáng, thật sự làm việc vì nước vì dân thì không có gì lo ngại cả.
Đa số người Việt Nam là yêu nước, dù có người phải làm công việc của họ.
Mong rằng, sớm hay muộn họ sẽ thấy được thiện ý của chúng ta.
Kính,
Thái Cầu (Hoa Kỳ)

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Thông Báo – Gs Nguyễn Huệ Chi ngừng “làm việc”

Thông báo
cùng đông đảo bè bạn trang mạng Boxitvn và những ai quan tâm

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã được ngừng “làm việc” kể từ khoảng 14 giờ hôm nay, thứ sáu, 22 tháng 01 năm 2010.
Giáo sư vừa về tới nhà và mới gọi điện thoại lúc 14 giờ 45 cho bè bạn để báo tin, và cốt lõi của “bản tin” nằm trong thông báo rằng sau nhiều ngày “làm việc” ông đã thừa nhận phạm hai lỗi nhỏ, một lỗi biên tập và một lỗi thủ tục.
Giáo sư nhắc lại với lòng thành tâm thực sự, và muốn rằng điều này cần được diễn đạt lại tương đối đầy đủ cho bà con bầu bạn:
Một cậu “làm việc” với tôi (tức Huệ Chi) bảo tôi rằng “rồi bác sẽ nghĩ lại và thấy sự thành tâm của chúng cháu… Chúng cháu chỉ muốn bác được thảnh thơi, vì chúng cháu cũng thấy rõ tấm lòng thành của bác”".
Trong một ngày vui, trước một niềm vui, có những tâm trạng khác nhau, đó là điều bình thường. Nhưng chắc chắn có một tâm trạng chung mà mọi người chia sẻ theo nhiều cách khác nhau, đó là cách nhìn nhận rằng cuộc sống bao giờ cũng tốt đẹp.
Cái Tốt Đẹp không hiểu theo nghĩa một bức tranh hoàn thiện tĩnh tại, mà theo nghĩa của sự Triển Diễn không ngừng.
Trang Boxitvn mời các bạn hãy cùng vui với chị Huệ Chi và các cháu, với bè bạn khắp nơi, với những người quen biết và nhiều người sắp quen biết giáo sư Nguyễn Huệ Chi.
Xin cám ơn Trời Đất cùng Tổ Tiên vẫn còn dành cho chúng ta những giờ phút sung sướng như thế này.
Xin biết ơn.
Boxitvn

Thông báo

Bộ phận kỹ thuật Trang Boxitvn.wordpress.com trân trọng kính báo:

Cho tới ngày hôm nay, thứ sáu, 22 tháng 01 năm 2010, số lượng người vào đọc trang blog này đã đặt nó vào thứ tự xếp hạng số 49 trên tổng số khoảng 9 triệu trang blog của wordpress.com toàn thế giới.  (Chú thích: xếp hạng 49 từ trên xuống)

Xin có lời nhắn để giáo sư Huệ Chi thông tin ngay tới các đồng chí ở nơi làm việc (không phải Viện Nghiên cứu Văn học) mà là nơi “đang làm việc” để góp phần cùng các đồng chí đó làm sáng tỏ một và chỉ một vấn đề.

Vấn đề gì?

Vấn đề gì, xin mời bạn vào đọc sáng mai. Dĩ nhiên là cũng đọc trên trang blog do ba nhà giáo lù đù khởi xướng.

Kính báo,
Boxitvn

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Ông Ninh và ông Nang

Ông Ninh và ông Nang
hay là

Lời hứa hão của ông Phờ Tờ

Phạm Toàn
Ông Ninh và ông Nang thì bà con ta biết rồi. Đó là những nhân vật quen thuộc, vừa vô danh vừa hữu danh, ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình lại gặp ông Nang, ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng lại gặp ông Ninh. Còn ông Phờ Tờ là như sau: tên gọi thân tình và châm chọc của giáo viên trường Thực nghiệm ở Hà Nội đặt cho tác giả bài viết này (mở ngoặc, do một cô giáo tuổi Ất Mùi rất có lý tưởng một hôm nào đó vào năm 1981-82 đã ngẫu hứng gọi ra: nom kìa, anh Phờ Tờ tung tăng thế kia, chắc hôm nay lại có sáng kiến gì đó…).
Phờ Tờ gợi ra hình ảnh một người lao động mệt nhoài nhưng vẫn vui tươi. Hôm nay Phờ Tờ tự phê bình với bà con độc giả trang Boxitvn: hôm thứ tư 20-1-2010, Phờ Tờ gửi thư cho nhiều bà con, nói rằng buổi “làm việc” ngày thứ năm 21-1-2010 của giáo sư Huệ Chi sẽ là buổi làm việc cuối cùng, và như vậy thì ngày thứ sáu kế tiếp sẽ là ngày tai qua nạn khỏi, có thể đun nồi nước tắm bằng lá thơm và mua vàng mã đốt vía tổng kết được đấy.

Rồi hóa ra vẫn chưa xong, bà con ta ạ! Vẫn còn ông Ninh ông Nang bà con ạ! Mặc dù chính giáo sư Huệ Chi ngay trong buổi làm việc ngày thứ năm cũng đinh ninh rằng sau buổi này thì còn gì nữa để mà “làm việc” tiếp?
Đúng thế: trong buổi làm việc này, giáo sư đã viết một mạch bảy trang “tiểu luận” bênh vực sự đúng đắn của việc đã cho đăng trên trang Bauxite Việt Nam hai bài báo, một bài của nhà văn Phạm Đình Trọng và một bài của ông La Thành. Một sự hào hứng như thế nghĩ cũng phải thôi. Vì đó là hai bài báo rất hay. (Nhìn chung, bài trên trang Bauxite Việt Nam thì chỉ từ cấp độ HAY trở lên thôi, nhưng hai bài này có thể xếp loại ĐẸP VÀ HAY). (Chú thích thêm lần nữa: hôm nào trang Bauxite Việt Nam tái xuất, xin đề nghị sếp Huệ Chi cho đăng lại hai bài đó để bà con xếp hạng lại cho thêm phần đồng thuận).
Và thế là, vào một ngày thứ năm 21-1-2010 khi bầu trời Hà Nội quá mù ra mưa, buổi sáng hai bên “làm việc” theo lối tranh luận thêm về hai bài báo đó. Sau khi ngã ngũ rằng cách đánh giá bài thứ nhất của Nhà văn Phạm Đình Trọng cho thấy “hai bên làm việc đã hiểu nhau”, sau giấc ngủ trưa rất nhân đạo, cả buổi chiều giáo sư Huệ Chi ngồi viết giải trình về bài của ông La Thành. Viết xong, các anh ấy đọc và chỉ giả vờ chê một điều lấy hên: “bài của bác có một câu sai ngữ pháp”.

Tóm tắt “luận văn giải trình” bảy trang (07 trang) chi chít toàn chữ quốc ngữ của giáo sư Nho học như sau, xin kể lại y nguyên theo lời kể tối qua của giáo sư cho bác Phờ Tờ nghe:
Điều giải trình thứ nhất là, bài viết của ông La Thành không thuộc loại bài do trang Bauxite Việt Nam tổ chức viết, mà chỉ là bài tham khảo lấy từ trang mạng khác qua. Điều đó có nghĩa là trang Bauxite Việt Nam không có quyền biên tập lại, chỉ có quyền đăng nguyên văn. Và điều đó cũng có nghĩa như sau nữa: khi đăng nguyên văn một bài từ trang mạng khác, thì phải chấp nhận cả những gì mình ưng (tạm gọi là ưu điểm) lẫn những gì mình chưa ưng (tạm gọi là khuyết điểm) của nó. Sở dĩ phải “tạm gọi” là ưu điểm hoặc khuyết điểm, vì có khi cái mình khen lại bị chê, cái mình chê lại được khen.
Điều giải trình thứ hai là, bài viết của ông La Thành có những ý gì được trang Bauxite Việt Nam coi là ưu điểm (hoặc đáng khen)? Bài đó nói được ba điều hay và mới như sau:
1./ Vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam là một phép thử, phép thử đối với tinh thần dân tộc của người Việt Nam, phép thử đối với năng lực gìn giữ nền độc lập của người Việt Nam, và cũng là phép thử cả năng lực lãnh đạo đất nước của người Việt Nam.
2./ Đừng ai nghĩ rằng nước Việt Nam nhỏ bé bên cạnh nước khổng lồ Trung Hoa thì sẽ có rất ít chọn lựa. Ông La Thành nêu rõ: Bắc Triều Tiên giữ được độc lập với Trung Hoa, các nước nhỏ bé vùng Baltic giữ được độc lập với Nga, nước Panama còn nhỏ hơn nữa mà vẫn giữ được độc lập với Hoa Kỳ. Người ta làm được thì mình cũng làm được. Đó chính là biểu hiện của phép thử vậy.
[Chú thích tại chỗ: giáo sư Huệ Chi bận đi "làm việc" nên không cập nhật được chi tiết này trên làn sóng truyền hình: ngay lập tức sau khi biết tin động đất ở Haiti, nước Cuba bé nhỏ đã cử ngay bốn trăm (400) bác sĩ qua làm công tác phẫu thuật cấp cứu nạn nhân; và chỉ từ hôm sau đó các bác sĩ của những nước khác mới lục tục theo sau Cuba có mặt ở nơi xảy ra tai họa. Điều này không những mang ý nghĩa là Cuba giỏi về Y tế và tốt bụng trong tình láng giềng, mà còn có ý nghĩa khác liên quan đến cái phép thử mà chúng ta đang xét. Tác giả Phờ Tờ biết tin này do mở kênh Truyền hình Australia, nghe họ chê trách các kênh thông tin toàn thế giới không chịu tuyên dương Cuba đã đi đầu trong công cuộc cứu trợ này. Chẳng biết Cuba coi sự chê trách này là một lời tuyên dương tuyệt vời hay là một "thủ đoạn diễn biến hòa bình" từ cái xứ sở từng có những thanh niên nằm ngáng xe ô tô của ông Johnson để phản đối Chiến tranh Việt Nam?]
3./ Vấn đề khai thác bauxite cũng còn là một phép thử đối với người láng giềng mười sáu chữ vàng nữa. Rành rành là khai thác bauxite thì cả Việt Nam lẫn nước bạn cũng chưa có lợi gì về kinh tế. Vậy, sự cố (tôi định dùng chữ “cố đấm ăn xôi” nhưng kịp nén lại, dùng chữ khác) cố công cố sức khai thác bằng được tài nguyên trên một miền đất khác đất Trung Nguyên mênh mông có ý nghĩa gì đây? Câu hỏi này chỉ có thể giành cho những người quen nhăn nhó cười khi bắt tay nhau chặt chẽ, còn những lương dân chúng mình làm sao trả lời cho nổi?
Điều giải trình thứ ba là, như đã nói ở trên, do chỗ không biên tập cắt gọt nên bài của ông La Thành nhất định sẽ có một vài điểm “có thể gây ra sự hiểu khác đi của cơ quan an ninh và có thể bị “kẻ địch” lợi dung”. Tuy vậy, theo lời giáo sư Huệ Chi, cho tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy “kẻ địch” nào lợi dụng một vài điểm sơ suất rất nhỏ đó cả. Giáo sư Huệ Chi cũng viết thêm vào bản giải trình: so với việc một ông Tổng biên tập tờ báo Điện tử đã gọi quân đội Trung Hoa là “quân ta” và giúp họ gọi vùng biển Đông trong phạm vi lưỡi bò là “nước ta”, thì khuyết điểm của người điều hành chính trang Bauxite Việt Nam chỉ là một con kiến so với một con voi.
Tác giả đã làm xong công việc kể hầu bà con chuyện gì xảy ra hôm nay liên quan đến Huệ Chi tức là liên quan đến trang mạng của chúng ta. Nghĩ rằng với bài viết này tới đây nên dừng là hợp nhẽ.
Trước khi đặt dấu chấm hết bài và “nộp mạng” tức là để “văng bài lên mạng”, xét tinh thần người viết và tự xét cả chất lượng bài viết, tác giả xin bạn đọc thấu tình tha cho cái tội hứa hão là hôm nay thứ sáu 22-1-2010 Huệ Chi không phải đi “làm việc” nữa. Gạt một bên chuyện lao động là vinh quang, một ông giáo sư bỏ việc một ngày là mất toi bạc triệu của người ta, lại thêm cái khoản lo lắng phí của vợ con tính thành tiền là các cuộc gọi lê thê buổi tối từ miền Nam ra và từ Mỹ về, quả tình là có hơi bị đau!
Trong khi đó có nhiều người có thể được tăng lương và thăng chức vì những buổi làm việc lê thê làm mất mát cả vật chất và tinh thần giáo sư Huệ Chi.
Cuộc đời này lắm lúc rõ là vớ vẩn hết chỗ nói.
Hà Nội, sáng rất sớm 22-1-2010
Phạm Toàn