Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Đại biểu Quốc hội đầu tiên lập blog

Quần soóc, áo phông, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khoá XI và cũng là ứng cử viên khoá XII, lặn lội đi học... blog
Cự ly nào giữa blogger và chính khách
Đúng tinh thần một blogger, ông thoải mái tâm sự:
Ai cũng có thể mở blog, nhưng một chính trị gia mở blog lại có ý nghĩa khác. Nếu blog của họ có những điểm tích cực, họ có thể dùng nó để xây dựng hình ảnh, vận động tranh cử, truyền thông điệp tới người dân theo cách gần gũi hơn so với những bài phát biểu trước Quốc hội.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm rất bất cập. Ở vị trí một chính trị gia, lời ăn tiếng nói của họ rất được quan tâm. Một khi lập blog là họ trở thành blogger. Có người cho rằng tôi là một blogger, tôi muốn nói gì cũng được, đây là thế giới riêng của tôi. Nhưng tên tuổi của họ lại mâu thuẫn với điều đó.
Ví dụ như Ngoại trưởng Thụy Điển. Ông luôn nói trước công luận theo tính chất ngoại giao. Nhưng khi lên blog, ông ấy lại thể hiện một quan điểm khác hẳn so với tư cách của một ngoại trưởng. Khi được phỏng vấn, ông lý giải rằng, ở đây tôi nói với tư cách của một blogger chứ không phải tư cách của một ngoại trưởng.
Vấn đề là nhận thức của người dân về việc làm blog. Con người có hai chức năng, có những cái thống nhất với nhau, có những cái thuộc về nghề nghiệp thì phải phân biệt được. Nếu không phân biệt được là do lỗi của người đọc, không phải lỗi tại người viết blog.
* Nhưng chắc chắn người làm blog cũng có lỗi vì họ đã tự mình lẫn lộn hai vai trò đó với nhau.
- Anh phải biết ranh giới, đây là blog, còn kia là công việc. Đương nhiên để thể hiện một sự thống nhất giữa hai vai đó là rất khó, nhưng điều đó đòi hỏi blogger phải có người đọc có thể chia sẻ. Nó giống như cuộc đời riêng tư, với vợ chồng chẳng hạn, đằng sau cuộc sống vợ chồng là gì? Có nói ra được không?
* Nhưng thế giới blog rất hỗn loạn. Thêm vào đó là tính nặc danh của môi trường internet. Đôi khi nhờ một cái nick ảo, người ta có thể bình luận thoải mái những gì mình thích, kể cả văng bậy...
- Không, đó chính là môi trường để mình rèn luyện những phẩm chất cần có, có được một bản lĩnh để chấp nhận. Đối với một chính khách, theo tôi, điều đó rất quan trọng.
* Nhưng không ai nắm tay được từ sáng đến tối. Đến một lúc nào đó, có khi chỉ do một sai lầm nho nhỏ khi phát ngôn trên blog mà các chính khách lại có thể phá hỏng sự nghiệp. Lúc đó họ lại hối hận, giá như mình không làm blog...
- Sẽ có người như thế. Bản thân mình rơi vào hoàn cảnh như thế mình mới biết được.


       
Nhà sử học Dương Trung Quốc phút thảnh thơi, tươi trẻ (Ảnh nguồn: zing.vn)   

* Vậy ông có dám dấn thân vào việc làm blog hay không?
- Thực ra tôi cũng chưa hiểu hết. Mục tiêu của tôi là chia sẻ, đầu tiên là với những người họ quan tâm đến mình và mình cũng muốn chia sẻ với họ. Tức là có một giới hạn. Sau đó, giới hạn sẽ mở rộng dần dần. Một là mình đã tốt hay chưa, đã có nhiều người muốn chia sẻ với mình hay chưa? Chứ tôi chưa có ý định dùng blog làm một diễn đàn quá rộng với mọi người.
Nếu quả thực trong quá trình làm, mình cảm thấy mức độ nào mình đủ bản lĩnh và mình đủ lòng tin thì mình sẽ mở rộng ra và cũng thăm dò xem nhu cầu như thế nào. Trước hết, tôi chỉ muốn có một chỗ để đưa tất cả những gì mình viết vào để chia sẻ, để giới trẻ có thể bình luận, bình phẩm.
Phần lớn các vấn đề của tôi, nói học thuật thì hơi sâu, nhưng đó là vấn đề nhận thức xã hội. Tự dưng mình nói quan hệ Việt Nam và Mỹ mang tính chiến lược thì họ nói: đấy, anh là thằng cơ hội, ôm chân Mỹ.
* Khi làm blog, ông sẽ có một cái lợi, một ưu thế rất lớn là thương hiệu.
- Có thể thương hiệu sẽ tự nhiên đến. Nhưng thực sự tôi không có mục đích đánh bóng thương hiệu.
* Không, ý tôi là khi ông làm blog thì blog của ông sẽ được quan tâm. Vì người làm là ông Dương Trung Quốc - người có tiếng nói trong công chúng.
- Giống như trường hợp của Joe đúng không?
* Không, Joe nổi tiếng vì anh chàng này là người nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất hay. Ở trường hợp này, không phải thương hiệu tạo nên blog mà blog tạo nên thương hiệu.
- Có lẽ tôi nên làm blog cho một mình tôi xem trước.
Thử thách đầu tiên - đối mặt với danh hiệu "chơi trội"?
* Ở Việt Nam, có lẽ ông là đại biểu Quốc hội đầu tiên công khai chuyện mình làm blog. Nhưng có một tâm lý là anh nào làm đầu tiên sẽ bị coi là “chơi trội”. Ông có sợ tâm lý ấy không?
- Tôi biết là có tâm lý ấy nhưng tôi không sợ. Có gì mà mình phải sợ.
* Ông cũng là người đầu tiên trong Quốc hội dùng máy tính xách tay?
- Thực ra tôi không phải là người đầu tiên. Người đầu tiên mang máy tính xách tay đến Quốc hội là ông Lân Dũng và cũng có thể một vài người khác. Nhưng các vị cứ thập thà thập thò. Tôi là người đầu tiên dám đặt lên bàn rồi đánh bình thường, có gì mà phải sợ.
* Thập thò nghĩa là sao?
- Thì đánh giấu, không cho mọi người xem, ngại ngại vì cho rằng như thế là vi phạm luật. Như thế chẳng có gì là vi phạm cả.
* Thời điểm đó là năm nào?
- Vài năm nay rồi. Hai năm đầu tôi chưa dùng, nhưng năm thứ hai thì dường như đó là năm mình làm được nhiều việc nhất.
* Vậy đến bây giờ có bao nhiêu đại biểu sử dụng máy xách tay?
- Chưa có thêm ai hết. Ông Dũng thỉnh thoảng tranh thủ làm. Còn tôi lúc nào đến cũng đặt máy lên bàn, làm công khai. Hoặc là họ e ngại nên chưa có nhiều người làm vậy.
* Đối với các blogger trẻ tuổi không tham gia vào công việc chính trị thì chuyện làm blog có thể rất thoải mái. Nhưng ông lại khác, ông còn vai đại biểu Quốc hội.
- Mình có thể thay đổi cách nói để thuyết phục và để an toàn. Thí dụ như có thời kỳ, trên VietNamNet có mở ra tranh luận về chuyện tham nhũng. Có nhiều người phản ứng rất gay gắt, họ dùng lý lẽ của họ để đả kích.
* Lý lẽ của họ là gì?
- Ông đừng nghĩ vớ vẩn. Ông hãy tập trung làm Quốc hội đi.
* Ông trả lời họ ra sao?
- Làm sao trả lời được hết. Nhưng số đông là ủng hộ. Nói trước là tôi sẽ không trả lời. Nhưng tôi ghi nhận tất cả ý kiến của họ. Trừ trường hợp nào tôi thấy cần thiết trao đổi.
* Thế bây giờ làm blog, ông có sợ người ta lại bảo, ông tập trung làm việc của Quốc hội đi?
- Đó là chuyện bình thường.
Vĩnh Thịnh (lanhdao.net ngày 30/5/2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.