hay là chuyện ông tổng thống Sarkozy đi kiện
Viết dựa theo nội dung bài báo trên tờ LE MONDE ngày 30.10.2008 của Yves Bordenave et Anne-Claire Poignardvà những tham khảo xoay quanh bài báo đó
Phạm Toàn
Trong văn học dân gian Phi Châu có vị thần tên là Vaudou. Thế rồi, ở cái nước Pháp tinh nghịch, có người làm con búp-bê thần Vaudou, với bản mặt là … tổng thống Nicolas Sarkozy.
Nói thiệt tình nhé: mình mà được thiên hạ “ca tụng” cỡ đó thì thích đến phát ngất. Nhưng ông tổng thống thì lại không thích đùa. Ông chỉ thích tạo uy tín qua những lời khen thôi, và khen cho rõ ràng rành rọt, ông không thích trò chơi úp mở ngay cả khi được khen. Chết nỗi, dân Tây lại ưng thử thách ông cả qua những việc ông làm, và cả bằng cách trêu chọc ông cái, xem sức chịu đựng của ông tới đâu. Và họ trêu ông bằng cái trò con búp-bê-Vaudou.
Ta biết chuyện gì xảy ra tiếp ở cái xứ sở dân chủ … quá trớn ấy. Ông tổng thống đâm đơn kiện (ông muốn lắm nhưng không dám can thiệp cách khác). Theo luật nước đó, ông chỉ có thể đi kiện.
Oái oăm thay, tòa án Paris ngảy 29 tháng 10 năm 2008 lại xử “bác đơn” ông đòi thị trường phải ngừng bán những con búp-bê-Vaudou. Thế là búp-bê-Vaudou có bản mặt của ông cứ tiếp tục lang thang trên thị trường. Phản ứng của ông ra sao? Dĩ nhiên, ông chẳng dám ra lệnh cho bên An ninh can thiệp khéo, cũng không chỉ thị các hội các đoàn đi làm công tác tơ tưởng giùm. Ông chỉ còn con đường lại đâm đơn đi kiện…
Nghĩ cũng tội thân đời, ông tổng thống đáng yêu này chẳng hiểu vì sao rất hay gặp sự cố trong đời.
Ngày 30 tháng 1 năm 2008, ông phải đi kiện hãng Hàng không Ryanair đã dùng ảnh vợ chồng ông vào việc quảng cáo. Công ty này bị thua kiện, phải bồi thường cho tổng thống 1 (một) đồng Euro, và bà vợ siêu sao người mẫu Carla Bruni thì được bồi thường 60 nghìn Euro.
Ngày 7 tháng 2 năm 2008, ông kiện báo Le Nouvel Observateur vì cái tội loan cái tin nhắn của ông gửi bà vợ cũ trước khi cưới cô vợ mới (Rút kinh nghiệm: không nên ham lấy vợ xinh tươi, cho đỡ rắc rối). Nhà báo phải xin lỗi. Ông tổng thống bãi nại. (Rất chi là đàng hoàng xứng danh đấng mày râu!)
Ngày 23 tháng 5 năm 2008, ông đâm đơn kiện hai nhà sản xuất áo phông đã nhại họ tên của ông. Vụ việc đang được làm sáng tỏ. Tháng chín vừa rồi, ông lại gặp rắc rối vì có kẻ đột nhập tài khoản ngân hàng của ông (Rút kinh nghiệm: không nên có thừa tiền, rắc rối lắm). Vụ việc cũng đang được làm sáng tỏ. Ngày 16 tháng !0 năm 2008, ông tổng thống đâm đơn kiện cựu giám đốc tình báo vì những chuyện xúc phạm đời tư của ông… (Rút kinh nghiệm chuyện này thế nào đây…?)
Nhưng ta chớ nghĩ chỉ ông tổng thống Nicolas Sarkozy mới gặp rắc rối như vậy. Các vị tổng thống khác cũng gặp những chuyện tương tự. Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing năm 1976 và tổng thống Georges Pompidou năm 1970 cũng phải đâm đơn kiện các công ty dùng tên các vị vào công việc quảng cáo. Hai vị đều thắng kiện. Tổng thống Pompidou đã ngăn chặn một vụ dùng tên tuổi ông quảng cáo một loại động cơ tầu thủy kiểu mới.
Chuyện của ông tổng thống Valéry Giscard d’Estaing mới hay: người ta làm một bộ bài tây, đặt tên là bộ Giscarte (tiếng Pháp, “carte” là quân bài; thành tố Gis dĩ nhiên là phần đầu tên ông Giscard rồi). Trong 54 quân bài đó có những hình ảnh ông tổng thống được họa sĩ Eddy Munerol vẽ với đủ các thứ áo quần các kiểu! Ông tổng thống đi kiện, và ông thắng, bộ quân bài không được bầy bán nữa.
Bây giờ chúng ta hãy trở lại vụ búp-bê-Vaudou liên quan tới ông tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy.
Luật sư đại diện cho tòa là Thierry Herzog; vị này chống lại những than phiền về quyết định của các quan tòa trong lần kiện cáo trước bằng lập luận này nghe hay phết “trong điều luật xử tội vu khống có khoản về việc dùng tranh biếm họa để làm công việc đó, nhưng lại chưa có quy định việc dùng búp bê”!
Rõ là điên! Nhưng mà vui! Trong một quốc gia pháp quyền, thì việc nào đi việc nấy, cứ chiếu luật mà làm. Muốn thêm một khoản để xử vụ búp bê này cho nhanh, cho “đã đời”, thì cần họp Quốc Hội, cần làm luật bổ sung. Nhưng ác nỗi, ở cái xứ oái oăm đó, sai bảo Quốc Hội đâu có dễ! Chưa kể là, có luật bổ sung rồi còn cần văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi; và trong khi chưa có văn bản dưới luật thì “khi tranh tụng tại Toà, bên nào lập luận mà thắng thì coi như lập luận đó tuơng đương với văn bản dưới luật”.
Đến đây, phe ủng hộ tổng thống lại có lập luận mới, các đồng chí ấy mò sang địa hạt đạo đức.
“Thì vâng, chúng tôi ủng hộ tự do diễn đạt ý kiến và trao đổi ý kiến. Nhưng con búp bê này không đẹp, nó xấu, nó thể hiện một thị hiếu tồi. Cần phải cấm. Và nếu cấm nó được tức là có thể xử cho tổng thống thắng kiện.”
Mấy cái ông người Tây này nói năng và suy nghĩ cứ như không phải là người Pháp. Vì dân Pháp có câu thành ngữ rất khôn ngoan: “Chuyện thị hiếu và chuyện màu sắc, xin đừng tranh luận mà chẳng bõ phiền”. (Des goûts et des couleurs on ne discute pas!).
Tôi không phải là người Tây, dĩ nhiên rồi; tôi đọc trên báo Le Monde thấy có câu chuyện này, bèn soạn lại vì thấy câu chuyện thú vị đối với Nam quốc Nam nhân. Thú vị ở chỗ nào nhỉ? Thôi mà, xin các bạn hãy nếm náp, và tự tìm ra chỗ thú vị cho mình.
Các bạn thấy không: đầu óc tôi cũng cởi mở ra phết! Cũng chống lại áp đặt ra phết!
Và tôi đang huy động óc tưởng tượng để nhìn thấy bạn đang mỉm cười.
Hà Nội, 15-01-2010, hồi 14 giờ 48
Vào giờ này, Huệ Chi vẫn chưa về nhà.
Phạm Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.