Nhà nghiên cứu Trung Quốc
Ngày 13/01/1950, Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám và ngày 18/01/1950, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, thay mặt chính phủ hai nước gửi công hàm công nhận lẫn nhau và đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Từ đó, ngày 18/01 được coi là ngày kỷ niệm chung.
60 năm qua, quan hệ hai nước đã có những lúc tốt đẹp, thân thiết với nhau như anh em.
Ngay trong lúc khó khăn nhất, Việt Nam vẫn làm hết sức mình để giúp các đồng chí Trung Quốc vùng biên giới hai nước và sau này nhân dân Trung Quốc qua những viện trợ to lớn đã giúp Việt Nam rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh.
Tuy vậy quan hệ giữa hai nước nhiều lúc có vấn đề, khi thì ngấm ngầm, lúc thì nổi lên.
Đặc biệt là từ sau khi Việt Nam giành được thống nhất, do ý đồ chiến lược của Trung Quốc và Việt Nam không gặp nhau, thậm chí trái ngược nên dần dần dẫn tới hai bên đối đầu trực tiếp trong một thời gian dài, chí ít cũng từ năm 1979 và mãi tới năm 1991 hai nước mới bình thường hóa quan hệ.
Kể từ đó đến nay, mối quan hệ này diễn ra tương đối bình thường. Dù sao, trên cơ sở hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau sau nhiều cố gắng chung hai nước đã giải quyết xong việc phân định biên giới trên bộ cũng như phân định Vịnh Bắc Bộ.
Hiện nay, không nói mọi người cũng rõ, vấn đề Biển Đông đang nổi lên.
Vấn đề Biển Đông
Lập trường và suy nghĩ của hai nước còn khoảng cách rất lớn nhưng tôi tin rằng, nếu các nhà lãnh đạo hai bên đều có sự kiềm chế và biết điều thì có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.Nhưng cũng phải nói thật, đây là vấn đề nan giải nhất trong quan hệ song phương Việt – Trung.
Gần đây người có trách nhiệm trong đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã đưa ra ý tưởng "gác tranh chấp cùng khai thác ở Biển Đông". Tôi cho rằng đây không phải là một ý tưởng mới vì ngay từ những năm đầu của thế kỷ này, chính phủ Trung Quốc đã trịnh trọng đưa ra lời tuyên bố tương tự.
Thế nhưng tháng 03/2009, chỉ bằng vào một quyết định của Cục Ngư chính tỉnh Hải Nam, nhà cầm quyền tỉnh này đã cho phép mấy chiếc chiến hạm được cải biên thành tầu đánh cá, có nhiệm vụ "tuần tra, bắt giữ, khám xét, xua đuổi tầu nước ngoài vi phạm cái gọi là vùng Nam Hải của họ".
Cho nên câu nói của người có trách nhiệm của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam là thiếu cơ sở để tin được, mà chỉ là "gác tranh chấp theo kiểu Trung Quốc”.
Ước nguyện lúc này của tôi, một người đã có gần nửa thế kỷ tiếp xúc và hơn 10 năm làm việc tại Trung Quốc (ở cả Bắc Kinh và địa phương, trong cả thời gian hữu nghị, đối đầu và khi bình thường quan hệ), là những nhà lãnh đạo hai nước, nhất là những người trực tiếp điều hành và thi hành mối quan hệ này, hãy đặt lợi ích chung, cao nhất của hai dân tộc lên trên hết.
Nguồn : http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100117_viet_china_relations.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.