Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Đại sứ Trung Quốc họp báo, người trẻ Việt Nam nghĩ gì ?

Một sinh viên Việt Nam trẻ tại Hà Nội

Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường
Là một người dân trẻ tuổi Việt Nam quan tâm sâu sắc đến tình hình đất nước, tôi thấy mình cần lên tiếng trao đổi thẳng thắn với những phát biểu công khai trước truyền thông Việt Nam của Ngài Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Cường.
Dù không đại diện cho ai, nhưng tôi nghĩ, sẽ không có nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay suy nghĩ quá khác biệt với tôi trong vấn đề này – vấn đề quan hệ hai nước Việt Trung và những tồn tại của nó…
Đề xuất phương pháp luận trong cách nhìn nhận mối quan hệ hai nước
Bên cạnh những trang rất đẹp về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước, được nhiều thế hệ tiền bối cách mạng và nhân dân hai nước dày công vun đắp, lịch sử giữa hai đất nước Việt Trung có nhiều khúc quanh đáng buồn.
Phần lớn những khúc quanh này chủ yếu mang dấu ấn cá nhân, của những tư tưởng cuồng vọng, bành trướng. Từ đó dẫn đến những hành động bất chấp hậu quả, bất chấp đại cục và những kết quả vô cùng tốt đẹp trước đó.
Khi nhìn nhận về lịch sử, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân có thể có nhiều góc độ, nhiều cách lý giải và quan niệm. Tuy vậy, các chủ thể trong một mối quan hệ tương hỗ, mong muốn đi đến tương lai tốt đẹp từ lịch sử có nhiều xung đột, nhiều đau thương và thù hận chỉ có thể thực hiện được, khi thống nhất cơ bản được với nhau một nguyên tắc nhìn nhận chung.
Theo đó, có thể tạm đưa ra một vài điểm như sau:
  • Các bên chỉ có thể cùng đi đến tương lai quan hệ tốt đẹp khi có cách nhìn nhận chung đúng đắn về lịch sử, khi giải quyết được cơ bản những vấn đề của lịch sử để lại.
  • Phải thừa nhận lịch sử một cách công khai, đầy đủ, không giấu giếm che đậy.
  • Phải rút ra được những bài học chung mà không bao giờ được tái diễn, một cách cụ thể nhất, chi tiết nhất, và các bên cần thực tâm sửa chữa nó.
  • Lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các chế độ, dù là song phương, cũng là một phần của lịch sử nhân loại, vì vậy không thể chỉ tìm cách giấu nó trong mối quan hệ tay đôi bất bình đẳng, mà phải xem xét nó trong không gian của những chuẩn mực luật pháp, công pháp và thông lệ quốc tế.
Còn ngược lại, đứng trên lịch sử một cách trịch thượng và dối trá, thì sẽ không bao giờ có được tương lai tốt đẹp của sự tin tưởng, chân thành và hữu nghị.
Đó là vài nét nhất quán của một người dân Việt Nam bình thuờng, trẻ tuổi, trong việc nhìn nhận mối quan hệ giữa hai nước, xin được trình bày ở đây.
Điểm lại quan hệ hai nước
Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nói nhiều đến những mốc son chính trị, những con số tốt đẹp về mối quan hệ nhập siêu – xuất siêu đáng kinh ngạc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Sau đây, không đi lại góc nhìn đó mà xuất phát từ một góc nhìn khác, là bản chất nhưng có nhiều người muốn lẩn tránh nó với những ý đồ khác nhau:
  • Giai đoạn các triều đại phong kiến trước năm 1949: Trong suốt chiều dài lịch sử, chính quyền phong kiến Trung Quốc các thời kỳ cực thịnh đã tiến hành xâm lược Việt Nam tổng cộng hàng chục lần lớn nhỏ – và những thất bại ê chề của họ đã là những vết nhơ trong lịch sử chiến tranh xâm lược của Trung Quốc – như các triều đại nhà Nam Hán (939), nhà Tống (981, 1076), nhà Nguyên (1258, 1285, 1288), nhà Minh (1428), nhà Thanh (1789), v.v.
  • Giai đoạn 60 năm, từ năm 1949 đến nay: Chỉ trong một gian đoạn lịch sử ngắn ngủi, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, mà đỉnh cao của sự tàn bạo và hiếu chiến là việc bất ngờ phát động cuộc chiến trang tổng lực, xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, gây ra chết chóc cho hàng vạn người dân thường vô tội và chiến sỹ bộ đội Việt Nam, phá hủy hàng ngàn làng, xã, nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời gây ra sự hy sinh không đáng có của hàng chục nghìn bộ đội Trung Quốc.
Và trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt, bắn giết hàng trăm ngư dân Việt Nam, cướp đoạt và đòi tiền chuộc hàng trăm ngư cụ, tàu bè với giá trị hàng tỷ đồng Việt nam. Chính phủ Trung Quốc nói “tạm gác tranh chấp” nhưng thực tế lại là tăng cường gây hấn và lấn chiếm.
Tổng kết nhỏ trên đã cho thấy một bản chất khác về cách thức quan hệ Đồng chí – Anh em của Trung Quốc ở một số thời kỳ, mà phía ngoài nó là những khẩu hiệu bóng bẩy luôn được các lãnh đạo rao giảng hết sức tốt đẹp.
“Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại”
Có lẽ “phải sửa lại cách nói của bạn” (1), bởi lẽ, ở một cách hiểu khác, nhiều người nghe có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Ngài Đại sứ định nhắc nhở Chính phủ và người dân Việt Nam nên luôn biết nghe lời, còn đấu tranh sẽ chỉ chuốc lấy thất bại?
Từ lịch sử giữa hai dân tộc với đôi nét tổng kết trên cho thấy, nó là bài học mà các Chính phủ có dã tâm hiếu chiến, xâm lược cần học trước tiên: “Thực thà hợp tác sẽ phát triển, gian xảo và có dã tâm xâm lược sẽ thất bại”.
Chờ “điều kiện chín muồi” sẽ giải quyết
Trong giai đoạn 60 năm vừa qua của mối quan hệ Việt Trung, có 3 sự kiện đặc biệt quan trọng cần chú ý.
Đó là những “điều kiện chín muồi” được tận dụng một cách hết sức tàn bạo bằng 3 cuộc chiến tranh xâm lược với các quy mô khác nhau.
  • Năm 1974, bất ngờ tấn công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa khi quân đội Việt Nam đang dồn sức những ngày cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  • Năm 1979, bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc khi quân đội Việt Nam đang phải dốc toàn lực đánh đuổi bọn diệt chủng Polpot.
  • Năm 1988, bất ngờ tàn sát bộ đội biên phòng Hải quân Việt Nam và chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong lúc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam có nhiều khó khăn bất ổn.
Vậy, khái niệm “điều kiện chín muồi” của Đại sứ Tôn Quốc Cường nói đến, liệu có phải là khi Trung Quốc có nhiều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, có lực lượng hải quân hiện đại với hàng trăm tàu ngầm, hàng nghìn máy bay và tàu chiến các loại, có đủ khả năng chiếm đoạt và khai thác Trường Sa, Hoàng Sa cùng toàn bộ biển Đông của Việt Nam?
Trong vài năm gần đây, lãnh đạo cấp cao của hai nước hết sức hài lòng về mối quan hệ cực kỳ thân ái, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và luôn ca ngợi nó bằng những mỹ từ hết sức tốt đẹp.
Vậy tại sao không giải quyết tích cực vấn đề biển Đông ngay từ lúc đang hết sức thân thiết và tốt đẹp này, mà phải chờ một “điều kiện chín muồi” khác?
Phải chăng, việc này cần một thời điểm căng thẳng thích hợp nào đó, sẽ giải quyết theo cách mà Trung Quốc cho là có đủ điều kiện chín muồi về quân sự, kinh tế và chính trị như ba lần đã kể ở trên?
Quan hệ hữu hảo không phải là nói dối trơn tru và phủ nhận sạch bóng mọi vấn đề
Qua cách nói của Ngài Đại sứ về báo chí Việt Nam, về các giao thiệp nghiêm khắc (2) của các cơ quan hữu quan Việt Nam, ta có cảm giác, đối với Ngài Đại sứ và Chính phủ Trung Quốc, các cơ quan của Việt Nam là những kẻ đơm đặt, dối trá, và những giao thiệp nghiêm khắc ấy của phía Việt Nam với họ chỉ như trò con trẻ.
Bởi vậy, Ngài Đại sứ còn lớn tiếng nhắc nhở báo chí Việt Nam rằng, “không nên đưa những tin xấu như vậy….”
Đó là một thái độ giao thiệp trịch thượng, không trung thực và thiếu thiện chí.
Sự thật không thể chối cãi về số ngư dân bị bắn chết, bị cướp trắng phương tiện mưu sinh, và cả những số tiền chuộc bạo ngược cùng với nhiều bằng chứng khác bị phủ nhận sạch trơn khiến cho người ta có cảm giác rằng, khi ở một “điều kiện chín muồi” nào đó, những dấu ấn ô nhục về những cuộc xâm lược tàn bạo trong suốt chiều dài lịch sử, cùng với câu nói “bất hủ” như một vết hoen ố không thể tẩy rửa trong lịch sử quan hệ hai nước của một “đồng chí cấp cao” nước bạn: “Việt Nam là côn đồ, Trung Quốc sẽ dạy cho Việt Nam một bài học” (3) và cuộc xâm lược đẫm máu liền sau đó, đem đến sự chết chóc hy sinh thảm khốc của hàng chục ngàn đồng bào, chiến sỹ Việt Nam, có lẽ rồi cũng chỉ còn là những bịa đặt sai sự thật mà thôi?
Tăng cường hiểu biết chính trị, hay tăng cường ràng buộc chính trị?
“Một câu tóm tắt quan hệ hai nước, đó là cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương…”
Hiểu biết về Trung Quốc, người dân Việt Nam đã tích lũy từ hàng ngàn đời nay, kể cả những “thành quả vĩ đại ” của nền chính trị Trung Quốc như Cách mạng Văn hóa, Đại nhảy vọt, hay Cải cách ruộng đất… Điều mà nhân dân Việt Nam mong mỏi để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương, hoàn toàn không phải là tăng cường sự hiểu biết chính trị như ngài Đại sứ đơn phương lớn tiếng.
Từ những bài học nhãn tiền cay đắng trong lịch sử, chúng ta thằng thừng bác bỏ lời lẽ phủ dụ này, và yêu cầu Chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay suy nghĩ tạo ra ràng buộc chính trị để dễ bề lừa gạt bằng những lời lẽ ngon ngọt hoa mỹ, dạng như “hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được”, v.v.
Hiểu biết chính trị, ở một góc độ nào đó chính là cần biết đến một lẽ đơn giản rằng: Để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương, trước tiên phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phải biết ứng xử nghiêm túc, chân thành và tôn trọng các quốc gia khác nếu muốn làm bạn hữu hảo với họ.
Đừng cố lợi dụng những chiêu bài phong kiến cũ kỹ, kể cả phung phí nhân mạng đồng bào mình, tạo ra chiến tranh xâm lược – răn đe tàn bạo để hòng gặm nhấm lãnh thổ và bòn rút tài nguyên từ những nước nhỏ, còn nghèo và kém phát triển bằng mọi cách…
Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác
Ngày nay, khi nghĩ về cuộc chiến tranh Trung – Nhật đã qua, không ít người Trung Quốc vẫn còn cảm thấy đau đớn và căm giận về những tổn thất khủng khiếp của nó.
Chiến tranh và những hậu quả tàn khốc đó, chính Trung Quốc cũng đã nếm trải và không hề muốn tái lặp.
Phải chăng cũng bởi vì, Đức Khổng Tử đã răn dạy con cháu ngài điều cốt tử ấy.
Vậy thì, thật đáng lên án khi có những thời kỳ chính Chính phủ Trung Quốc luôn tìm cách tạo ra các cuộc chiến tranh xâm lược, chiếm cứ lãnh thổ, đất liền, biển đảo bao đời của Việt Nam, tàn sát dân thường, bộ đội Việt Nam. Điều đó xảy ra liên tục trong nhiều năm gần đây, và vẫn không ngừng tái diễn với các mức độ khác nhau cho đến ngày hôm nay.
Thật đáng lên án khi Chính phủ Trung Quốc là lực lượng đứng đằng sau chính quyền Polpot, tạo nên nạn diệt chủng khủng khiếp ở Campuchia, cũng là nguyên nhân gây chết chóc cho hàng chục nghìn người dân ở 6 tỉnh Tây Nam Việt Nam năm 1977 – 1978, nhưng lại luôn lớn tiếng nói đến hòa bình ổn định và hữu nghị…
Những tham vọng bá quyền luôn tiềm ẩn mối họa chiến tranh, mà những khẩu hiệu đại ngôn, những mỹ từ tốt đẹp không bao giờ có thể che giấu được.
Đối với người dân Việt Nam, khi mà những người lính Việt Nam anh dũng hy sinh chống lại sự xâm lược tàn bạo năm nào ở biên giới phía Bắc còn chưa được xướng tên cùng với hoàn cảnh họ ngã xuống, trên bia mộ của họ còn chưa có dòng chữ đơn giản như của cha anh họ: Hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; khi mà hồn thiêng của họ cùng chục ngàn đồng bào khác còn chưa siêu thoát, vì chưa hề có một lời xin lỗi dõng dạc như lời chính tuyên bố xâm lược năm 1978 (4), thì chừng ấy, những lễ kỷ niệm hoành tráng, những lời lẽ đại ngôn về tình hữu nghị, chỉ là những thứ che đậy hết sức giả tạo.
“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”
Mong rằng, Chính phủ Trung Quốc luôn ghi nhớ điều này và sớm nhìn lại chính sách và những tham vọng của mình, thật tâm chứng tỏ thiện chí với các quốc gia bằng việc nghiêm túc tôn trọng Luật pháp – Công pháp quốc tế, trên nhiều phương diện, từ vấn đề biên giới lãnh thổ, đến hợp tác phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên khoáng sản ở các quốc gia khác… trước khi bước ra thế giới với những học viện Khổng Tử hoành tráng và những mỹ từ tốt đẹp của mình.
Chú thích
(1) Cách trả lời của Đại sứ Tôn Quốc Cường với báo Tiền Phong trong cuộc họp báo ngày 06/01/2010 tại Hà Nội
(2) Cách diễn đạt của người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương trong phát ngôn về tranh chấp Biển đông khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ 8/4 dến 15/4/2007.
(3), (4) Tuyên bố của Đặng Tiểu Bình: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học” tại cuộc trả lời phỏng vấn được Trung Quốc truyền hình trực tiếp, tháng 12 năm 1978
Lên trang viet-studies ngày 10-1-2010
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/DaiSuHopBao_NguoiTreNghiGi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.