Gia Minh, phóng viên RFA
2010-01-14
Ngăn chặn tin tức
Đối với việc trang mạng bauxite Việt Nam bị đánh sập nhiều lần trong thời gian qua, nhiều người tỏ ra khó chịu, bực bội vì mất đi một nguồn thông tin khách quan, trung thực về những vấn đề được cho là nóng ở Việt Nam hiện nay. Người truy cập còn suy luận về đối tượng phá hoại trang đó cho rằng thủ phạm không ai khác hơn là chính những đối tượng dị ứng với những thông tin khách quan, thẳng thắn của những bài viết đăng trên trang đó.
Tuy nhiên đến khi nghe những người chủ trương trang web bauxite Việt Nam bị công an đến nhà khám xét, tịch thu ổ cứng máy tính và mời đi làm việc, như trường hợp giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thì họ tỏ ra bất bình.
Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học hàng đầu tại Việt Nam, dù đang trong tình trạng bệnh mệt mỏi, vẫn tỏ ra khó hiểu về hành xử của cơ quan chức năng Việt Nam:
Suốt tháng nay tôi theo dõi trên báo chí thấy nhiều việc khó hiểu đối với tôi. Những việc xảy ra mâu thuẫn đối với những chủ trương chính thức của Nhà nước. Tôi chưa hiểu lý do vì sao, và rất băn khoăn. Nhưng hiện nay tôi không thể nói gì hơn: rất khó hiểu.
Tranh đấu với chính người dân mình
Ông Phùng Liên Đoàn, một trí thức gốc Việt, từng bị tin tặc đột nhập hộp thư của ông để mạo danh gây chia rẽ trong nội bộ của những người chủ trương trang bauxite Việt Nam, tỏ rõ bức xúc của ông:
Tôi rất buồn bởi tôi thấy những người đó là những công dân rất chân chính. Họ nói thẳng những việc họ làm không dấu giếm gì cả, vậy mà họ bị chính phủ nghi kỵ. Thủ phạm đánh sập website của họ chúng tôi không biết là ai nhưng chúng tôi chắc chắn phải tổ chức chu đáo, bỏ nhiều công sức và tiền bạc.
Việc đánh những người yêu nước, những người bất đồng chính kiến thì chính phủ tự biêu xấu mình thôi, chứ không ảnh hưởng đến trào lưu muốn có sự thật, được ăn nói của mọi người.
Việc ông Nguyễn Huệ Chi bị mời lên làm việc là trái với hiến pháp Việt Nam. Tôi buồn vì chính phủ Việt Nam làm ra luật mà không tôn trọng luật đó.
Hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ nên ông Phùng Liên Đoàn cũng có trình bày về hành xử của phía chính quyền trong những vấn đề tương tự:
Ở Mỹ trừ khi có hành động mang tính cách khủng bố, ví dụ như đe dọa tổng thống, chính phủ, đe dọa bạo động đối với người khác thì công an, cảnh sát mới có trát tòa đến hỏi han,chứ không làm ngang trái bất cứ lúc nào.
Còn ngay chuyện làm thẳng thẳn như chống đối tổng thống, chính phủ, ngay cả chửi rủa thì đó là quyền tự do. Ở Pháp và nước Ân Châu, những nước tự do khác cũng vậy. Nhưng ở Việt Nam, Trung Quốc… thì chính phủ là khác, tất cả quyền lực trong tay chính phủ và người dân phải sống theo lề phải, nếu làm theo những điều chính phủ nói là tốt còn trái lại thì bị kết tội lật đổ chính phủ.
Ông cũng có ý kiến;
Tôi cũng rất buồn vì nước Việt Nam sau hơn 30 năm vẫn còn trong vòng lẩn quẩn ‘tranh đấu với chính người dân’. Nước Đức, nước Nhật sau thời gian chiến tranh đã phát triển, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn dùng những biện pháp độc đoán, thô bạo. Đó là do dân trí. Dân trí cao là biết cách ăn nói với nhau, nhường nhịn nhau…
Mạng bauxite Việt Nam ra đời từ hồi tháng tư năm ngoái được nhiều người truy cập, bởi những thông tin mang tính phản biện đối với kế hoạch khai tác bô xít tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, cũng như các vấn đề lớn hiện nay như tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, mạng này nay cũng gặp trở ngại như Báo mạng Tia Sáng sau khi đăng những ý kiến khách quan, thẳng thắn về các vấn đề được chính quyền cho là ‘nhạy cảm’.
Nguồn: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.