Hoàng Hưng
Giữa những ngày rất buồn này, hôm nay tôi có một niềm vui. Khá bất ngờ. Khi đọc bài phỏng vấn được Tuổi Trẻ đưa trang trọng đầu trang nhất và tiếp tràn cả một trang trong, với ông Pham Quang Nghị. Phải nói rằng, là một nhà báo chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí chính thống của Đảng Lao Động, Đảng Cộng Sản VN từ trên 30 năm, một nhà báo tự do trên nhiều tờ báo in, báo mạng, radio trong ngoài nước từ gần 10 năm nay, đây là lần đầu tiên tôi được nghe những lời khá đúng đắn về nhiệm vụ, vai trò báo chí từ một nhân vật đang tham gia cầm quyền cấp cao nhất ở Việt Nam.
Tóm tắt những ý chính của ông PhạmQuang Nghị trong bài phỏng vấn trên như sau:
1/ Báo chí phải thông tin khách quan, trung thực, kịp thời: “Yêu cầu thông tin báo chí hiện nay không chỉ tính theo 24 giờ mà tính từng phút. Trong những vụ việc báo chí bị xử lý vì đưa tin thiếu chính xác vừa qua có lỗi của nhiều bên. Lẽ ra các cơ quan chức năng phải chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin khách quan, trung thực và kịp thời.
Xã hội cần biết sự việc đó ngay khi nó diễn ra chứ không phải chờ đến khi các cơ quan chức năng tổng kết bài học kinh nghiệm rồi mới công bố"
2/ Phải thông tin cả mặt không tốt, yếu kém: “Là người lãnh đạo thì không thể chỉ thích nói, thích nghe mặt tốt mà còn phải hướng đến khắc phục cả mặt yếu kém. Như vậy mới có một bộ máy vận hành lành mạnh. Cho nên chủ động cung cấp thông tin không phải chỉ nói mặt tốt, báo chí động viên cái tốt là cần nhưng giám sát cái không tốt, hơn nữa gây áp lực để lãnh đạo chỉ đạo giải quyết vấn đề chưa tốt cũng rất cần thiết
3/ Không thể né tránh sự thật trong thời đại thông tin:
“Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin. Đơn giản là nếu mình không nói thì người khác sẽ nói”.
4/ Phải làm tốt vai trò phản biện:
“Tiêu chí của phản biện là phải đạt tới cái đúng và chỉ phản biện những cái chưa đúng. Như vậy sự phản biện dù của đoàn thể hay của báo chí, cá nhân nào mà dựa trên tiêu chí đó thì đều cần thiết và có lợi.”
Thật ra, những điều này là những yêu cầu sơ đẳng của bất cứ nền báo chí chân chính nào. Trong một bài viết lập tức để phản ứng tuyên bố nổi tiếng về “lề phải” của ông Bộ trưởng Bộ 4T ngày 4/8/2007, tôi đã dẫn lời của một chính khách người Anh tên là Robert Lowe từ năm 1851: “Nghĩa vụ đầu tiên của báo chí là có được tin tức sớm nhất và đúng nhất về các sự kiện đang xảy ra, và lập tức làm cho chúng trở thành tài sản chung của quốc gia, bằng cách phơi bày chúng ra. Nhà chính khách thu thập thông tin cho mình một cách bí mật và bằng những phương cách bí mật; ông ta giấu kín ngay cả tin tức đang xảy ra trong ngày với những sự thận trọng đến buồn cười. (Còn) Báo chí (thì) sống bằng sự phơi bày. Với chúng ta, những người coi sự công khai và sự thật là không khí và ánh sáng của sự sống, không có gì nhục nhã hơn là chùn bước trước việc phơi bày thắng thắn và chính xác các sự việc đúng như chúng là. Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật đúng như chúng ta thấy, không sợ mọi hậu quả - nhất định không cung cấp chỗ ẩn náu thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế, mà phải lập tức giao chúng cho sự phán xét của thế giới.” (xem bài “Mười chữ vàng và những dòng chữ đen...” Talawas ngày 8/8/2007).
Nhưng hôm nay, những lời hay ý đẹp về báo chí do chính do một cựu Bộ trưởng Văn hoá Thông tin, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư của Thủ đô, nói lên một cách nghiêm chỉnh, mới là việc đáng lưu ý.
Nhất là sau một thời gian dài báo chí chính thống bị tước vũ khí chiến đấu cho sự thật một cách thảm hại, tình hình mà tôi đã lo ngại sẽ xảy ra sau tuyên bố của ông Bộ trưởng “lề phải”:
“Ai cũng biết, cho đến nay, điều cản trở lớn nhất đối với sự thông tin trung thực và nhanh nhạy của báo chí nước nhà chính là đường lối định hướng thông tin dựa trên sự cân nhắc của nhà quản lý nhằm bảo đảm báo chí chỉ công bố những thông tin mà nhà quản lý cho rằng có lợi cho đất nước (sự cân nhắc rất lắm nguy cơ không tránh khỏi chủ quan, cảm tính; chưa kể trong đa phần trường hợp, thực chất đó là sự cân nhắc dựa trên cơ sở lợi ích thiển cận của sự điều hành, chưa chắc lợi cho đất nước; và không ít khi những cá nhân có quyền chi phối thông tin - từ tổng biên tập đến nhà quản lý cấp cao - lạm dụng quyền này vì lợi ích riêng - điều đã và đang ngày càng nhiều khả năng xảy ra trong nền kinh tế kinh tế thị trường mang tính “tư bản man rợ” với tác động của các nhóm lợi ích).” (trích bài “Mười chữ vàng...”).
Càng đáng lưu ý vì nó xuất hiện chỉ 5 ngày sau lời chỉ đạo của ông Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông (15/1):
"Những thông tin không có lợi cho đất nước, cho dân tộc thì không đưa",
"Sự thật lúc nào cũng là sự thật, nhưng phải chọn thời điểm nói lúc nào thì mới có lợi cho quốc gia, cho dân tộc.”
Nghe ra như có sự khác biệt giữa hai ông về điều cần nhấn mạnh cho báo chí?
Là một nhà báo chuyên nghiệp, tôi ủng hộ cách suy nghĩ của ông Nghị. Tôi từng hơn một lần nói với các cán bộ của “cơ quan chức năng”: Cực chẳng đã chúng tôi mới phải công bố bài viết trên các trang mạng nước ngoài, vì báo chí chính thống trong nước không làm được nhiệm vụ thông tin trung thực, kịp thời những điều người dân cần biết. Mọi cố gắng ngăn chặn, xoá bỏ những trang mạng này sẽ vô ích; trang này mất sẽ lập tức có trang khác ra đời.
Liệu chúng ta có quyền hy vọng những điều ông Phạm Quang Nghị nói trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay không chỉ là ý riêng cúa ông, và nói chỉ để nói?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.